A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh

Chuyển đổi số là xu thế đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là nước có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ là cơ sở để đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng các mặt hàng nông sản.

 
Người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin sản phẩm thông qua mã QR.

Nhiều năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh không còn xa lạ với nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”… có thể xem là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu của ngành nông nghiệp tỉnh trong việc nắm bắt xu thế chuyển đổi số. Trung tâm đã xây dựng nhiều nhóm mạng xã hội Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như Khuyến nông Quảng Ninh, Khuyến ngư, Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn... nhằm kết nối, trao đổi một cách nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm qua việc gửi hình ảnh, video, clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.

Trung tâm đã thử nghiệm lập kênh YouTube: “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các video, clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trong nông nghiệp. Ðây chính là nền tảng ban đầu trong việc lưu trữ dữ liệu trên internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Từ đó, từng bước hoàn thiện để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến với người dân một cách tối ưu.

Ba năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai Ðề án thí điểm tổng đài tư vấn khuyến nông trên địa bàn tỉnh, nhằm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan chính sách, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Ðơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền và là những dữ liệu căn bản trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Gia đình ông Hoàng Văn Cường (xã Ðông Ngũ, huyện Tiên Yên) là một trong những đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Ông Cường cho biết, việc sử dụng QR-Code đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm, từ đó, hạn chế việc mua phải những nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với các đề án chuyển đổi số do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh thực hiện, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã ứng dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc, thông qua phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.

Hệ thống góp phần giúp các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng phát huy quyền giám sát, kiểm tra; dễ dàng xác minh nguồn gốc sản phẩm, phát hiện kịp thời hàng giả, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng. Ðến nay, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản, với 300 sản phẩm gắn mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm và cấp phát hàng trăm nghìn tem truy xuất và tem xác thực chống giả.

Nguồn: Nhandan.vn - TĐ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: