A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi dưỡng tình yêu, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho thiếu niên, nhi đồng.

Liên hoan cồng chiêng ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum diễn ra vào ngày đầu tháng 4 năm nay, tại Nhà Rông Kon KLor, phường Thắng Lợi  thực sự là ngày hội lớn của  các em thiếu niên, nhi đồng  và đồng bào các dân tộc thiểu số  địa phương.

alt

Liên hoan cồng chiêng ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum diễn ra vào ngày đầu tháng 4 năm nay, tại Nhà Rông Kon KLor, phường Thắng Lợi  thực sự là ngày hội lớn của  các em thiếu niên, nhi đồng  và đồng bào các dân tộc thiểu số  địa phương.

 Liên hoan thu hút rất đông bà con, du khách đến xem, cổ vũ; không chỉ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu với nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn thiết thực nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong đời sống cộng đồng.

Sáng ngày 1/4/2017, khai mạc liên hoan, nhưng trước đó cả tháng, hầu như tối nào, A Trung đã cùng các bạn đội viên Chi đội 9A và Liên đội Trường THCS Phạm Hồng Thái  ở xã Đăk RơWa cũng tập trung tại nhà rông làng Kon Jơ Ri để tập luyện cồng chiêng, múa xoang. Đội cồng chiêng do nghệ nhân A Kâng, A Trưnh  tận tâm chỉ bảo. Nội dung múa xoang được mẹ con nữ nghệ nhân  Y Mai nhiệt tình hướng dẫn. “Mỗi lần chuẩn bị tham gia lễ hội như thế này, chúng em vui lắm. Bận học ở trường, nhưng  các bạn gái bạn trai cũng cố gắng học hỏi, tập luyện; để có thể chơi những bài chiêng thật hay, múa những điệu xoang thật đẹp; khỏi phụ lòng các nghệ nhân, các thầy cô giáo…”-  A Trung chia sẻ. Chuẩn bị  tốt nghiệp Trung học cơ sở, năm nay đã là năm thứ tư làm quen với cồng chiêng nên A Trung đã khá thành thạo với nhịp điệu bài chiêng mừng giọt nước của người Ba Na. Em còn phụ giúp các nghệ nhân hướng dẫn cho các bạn đội viên lớp 6, lớp 7 mới  tập tành.

Liên hoan Cồng chiêng được ngành Giáo dục & Đào tạo thành phố Kon Tum tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011, định kỳ 2 năm một lần, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là hoạt động truyền thống thiết thực hưởng ứng Tháng Thanh niên và  hướng tới kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).Liên hoan lần  này thu hút 960 học sinh là đội viên, nhi đồng người dân tộc Ba Na, Gia Rai đến từ  20 đội, gồm liên đội các trường tiểu học, trung học cơ sở tham gia. Trong đó, có hơn 700 đội viên của các liên đội trường trung học cơ sở và gần 250 đội viên của các liên đội trường tiểu học; hơn 300 em diễn tấu cồng chiêng và 625 em múa xoang…

alt

Không chỉ tập hợp số lượng “nghệ nhân nhí” đông hơn các lần trước, Liên hoan lần này còn khẳng định sự đa dạng, phong phú hơn hẳn về nội dung, hình thức thể hiện  nét đẹp  văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum. Trong khuôn khổ liên hoan, mỗi đội (là liên đội của một trường  hoặc các liên đội trên địa bàn cùng một xã, phường phối hợp) lần lượt trải qua phần biểu diễn trang phục dân tộc và phần diễn xướng cồng chiêng- xoang. “Khoác trên mình bộ váy áo, áo khố thổ cẩm của dân tộc mình, trông bọn trẻ đẹp tươi và đáng yêu hẳn lên. Thật đáng tự hào, là toàn bộ trang phục thổ cẩm của các em, đều do chính tay các bà, các mẹ, các chị trong làng trong thôn dệt nên.Chỉ bấy nhiêu, cũng đã mang ý nghĩa giáo dục cho các em tình yêu với truyền thống !..” – Thầy giáo  Ka Rô Châu ở trường THCS Phan Bội Châu, xã vùng sâu  Ia Chim bày tỏ. Lôi cuốn, hấp dẫn và được chờ đợi nhất, là nội dung diễn xướng cồng chiêng và múa xoang.So với các kỳ liên hoan trước, Liên hoan cồng chiêng lần này của ngành GD & ĐT thành phố Kon Tum được sự chuẩn bị chu đáo của các trường học, các liên đội; nhất là, được sự tận tình chỉ dạy, hướng dẫn của các nghệ nhân; thực sự đem đến không gian lễ hội phong phú, tưng bừng, đầy sắc màu.

20 đội “nghệ nhân nhí”, mỗi đội tập hợp từ 50 đến 70 đội viên, diễn xướng cồng chiêng-xoang theo một chủ đề lễ hội, hoạt động riêng... Mỗi đội đều mang nét đặc trưng riêng, vẻ đẹp riêng; song tựu chung lại, là bức tranh tổng hòa lung linh màu sắc và rộn rã âm thanh, trong không gian đậm chất văn hóa dân gian, bản sắc truyền thống. Ở đó, chính các em và mọi người tham dự liên hoan không chỉ được sống cùng không khí ngày hội thực sự ấn tượng, qua các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc  Ba Na, Gia Rai, như lễ hội mừng chiến thắng, mừng lúa mới, cúng giọt nước,mừng nhà rông, lễ bỏ mả…; mà còn trân trọng hơn nỗ lực gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các em trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà, ở trường. “ Đội nào cũng đẹp cũng hay! Bà con mình xem đã cái mắt. Mình thì thích nhất mấy đứa vẽ mặt lọ, đeo mặt nạ, nhảy múa và đánh chiêng vui quá! Các cháu bây giờ cũng đánh chiêng giỏi, múa xoang đẹp. Ráng mà theo các ông bà đi trước để cái đẹp cái hay của đồng bào mình còn mãi…”- Bà Y Nheo, người làng Kon Tum K Pâng, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum say sưa xem biểu diễn tại liên hoan, phấn khởi khen.

Liên hoan Cồng chiêng của ngành GD& ĐT thành phố Kon Tum đã khép lại, sau một ngày diễn ra ấn tượng. Những nỗ lực cống hiến đã được ghi nhận. Nhiều giải thưởng đã được trao cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.Song, điều đáng ghi nhận nhất từ hoạt động thiết thực này, chính là góp phần lan tỏa niềm tự hào về bản sắc dân tộc, tình yêu đối với văn hóa dân gian; góp phần nâng cao nhận thức đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay và mai sau./.

CTV Thanh Như - VS


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: