A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhịp chiêng trẻ làng KonVơngKe

 

alt

Các nghệ nhân trẻ làng KonVơngKe tham gia lễ hội đường phố

Trong 03 ngày, từ mồng 03 đến 05 Tết, tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, Lễ hội đường phố, trải nghiệm du xuân Mậu Tuất 2018 của huyện Kon Plông đã thu hút đông người dân và khách du lịch đón xem, cổ vũ. Góp phần đem đến không khí vui xuân tưng bừng, phấn khởi và giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Xê đăng vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum, có nhịp chiêng điệu xoang của các nghệ nhân mà hầu hết đều còn rất trẻ ở làng KonVơngKe, xã Đăk Long.

 Hầu hết trong số 30 nghệ nhân của làng KonVơngKe tham gia chương trình Lễ hội đường phố, trải nghiệm du xuân của huyện Kon Plông năm nay đều là đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, có hai “nghệ nhân nhí” là A Dên (10 tuổi)  và A Hảo (11tuổi) lần đầu tiên được góp mặt trong đội hình nhịp chiêng vòng xoang trẻ mà ngôi làng nhỏ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Mơ Nâm nhánh Xê đăng cùng Bắc Tây Nguyên rất tự hào.

 Anh A ĐRuế- Bí thư Đoàn xã Đăk Long, kiêm Đội trưởng Đội cồng chiêng- xoang trẻ làng KonVơngke cho biết: Đội nghệ nhân trẻ làng KonVơngKe được thành lập vào năm 2011, ban đầu chỉ với chưa đầy 20 người, đến nay, đã tập hợp trên 30 anh chị em. Các chàng trai thành thạo đánh cồng chiêng. Các cô gái không chỉ giỏi múa xoang mà cũng bước đầu làm quen với cồng chiêng, không thua kém các bạn nam thanh niên.

              alt            

Đội cồng chiêng-xoang trẻ thường xuyên tập luyện

Làng KonVơngKe bây giờ đã được chia tách thành hai thôn: Kon Ke 1 và Kon Ke 2. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con đã có nhiều đổi thay, song nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Mơ Nâm thì vẫn được bà con cùng chung tay góp sức. Em A Hảo- Đội viên Chi đội lớp 6, Liên đội Trường THCS xã Đăk Long mới được “bổ sung” vào đội cồng chiêng- xoang trẻ của làng KonVơngKe bày tỏ: Em rất tự hào vì KonVơngKe có các nghệ nhân rất hay và nổi tiếng, thường xuyên được chọn đi biểu diễn nhân các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh của huyện. Em và các bạn cố gắng học hỏi các ông các bác các anh đi trước để  đánh cồng chiêng hay, múa xoang đẹp.

Không chỉ phổ biến với cồng chiêng- xoang, người Mơ Nâm ở KonVơngke còn được biết đến với nét đẹp của các nhạc cụ dân tộc như Tà vẩu, đàn T’rưng..., làm thành vốn văn hóa dân gian quý báu được truyền từ đời này sang đời khác.

alt

Già A Uế tận tâm chỉ dạy, trao truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ

KonVơngKe hiện còn hơn 10 nghệ nhân cao niên, lão luyện, rất nhiệt tình truyền dạy cồng chiêng, xoang cũng như hướng dẫn chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa cho thế hệ con cháu. Già A Uế tuổi cao sức yếu vẫn tận tâm chỉ dạy, tổ chức tập luyện cồng chiêng cho các chàng trai cô gái trẻ và hầu như không vắng mặt trong các lễ hội lớn nhỏ mà các nghệ nhân của làng vinh dự tham gia. “Mình già rồi, nên phải cố gắng truyền dạy cho bọn trẻ biết cái cồng chiêng,cái Tơ rưng,Tà vẩu..., để giữ gìn văn hóa của cha ông mình. Nhìn các cháu đánh chiêng đánh cồng tiến bộ nhanh, ưng cái bụng lắm!...”- Nghệ nhân  A Uế dãi bày.

           Gần 7 năm sau ngày thành lập, Đội cồng chiêng- xoang trẻ làng KonVơng Ke đang được gây dựng, phát triển lên tầm vóc mới; xứng đáng là điểm sáng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được tổ chức Đoàn nhân rộng trong các khu dân cư của xã Đăk Long nói riêng và huyện Kon Plông nói chung. Đây cũng là nỗ lực góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách đến với vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen huyền thoại./.

                                                             Bài, ảnh: Thanh Như - TP


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: