A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân trẻ A Huynh và niềm say mê, sáng tạo bảo tồn văn hóa dân gian

Chưa hết tuổi Đoàn, A Huynh  ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy đã có hơn 20 năm làm quen với cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc nói riêng và  văn hóa dân gian nói chung của người Gia Rai. Với nghệ nhân ưu tú trẻ nhất trong số các nghệ nhân ưu tú của tỉnh Kon Tum được phong tặng năm 2015, say mê và sáng tạo luôn là cảm hứng bất tận trong hành trình tìm về nét đẹp truyền thống đáng tự hào và trân trọng.

alt

Chưa hết tuổi Đoàn, A Huynh  ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy đã có hơn 20 năm làm quen với cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc nói riêng và  văn hóa dân gian nói chung của người Gia Rai. Với nghệ nhân ưu tú trẻ nhất trong số các nghệ nhân ưu tú của tỉnh Kon Tum được phong tặng năm 2015, say mê và sáng tạo luôn là cảm hứng bất tận trong hành trình tìm về nét đẹp truyền thống đáng tự hào và trân trọng.

Trở về từ  Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk vào giữa tháng 3, A Huynh vui lắm vì đã được gặp gỡ, giao lưu cùng nhiều nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành trong khu vực; góp phần vào thành công của đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum tại sự kiện văn hóa lớn tầm khu vực. Tác phẩm tượng nhà mồ “ Người đàn ông ngồi đợi” của  A Huynh đã vinh dự được trao giải khuyến khích tại  liên hoan tạc tượng gỗ dân gian trong khuôn khổ những ngày hội lần này.         

Sinh ra và lớn lên ở làng Chốt, miền đất lành với nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng và nổi bật của người Gia Rai vùng Bắc Tây Nguyên, A Huynh đã may mắn được trao truyền, tiếp thu vốn quý nghệ thuật truyền thống từ các bậc lão niên đa tài, tâm huyết giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy vậy, chính niềm say mê bất tận và sự sáng tạo không ngừng trong quá trình mày mò,làm quen, học hỏi các loại hình văn hóa truyền thống, đã tạo nên nét hào hoa dân giã và bản sắc rất riêng, không thể trộn lẫn của nghệ nhân trẻ A Huynh.

A Huynh chia sẻ, cũng như  hầu hết trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số, được sống trong  cộng đồng làng giàu truyền thống văn hóa, 13-14 tuổi, A Huynh đã làm quen với cồng chiêng. Rồi chẳng biết tự đâu, “ cái máu văn nghệ” cứ lớn dần lên theo thời gian . Không riêng cồng chiêng, A Huynh  còn mày mò chế tác và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa, như Ting ning, Tơ rưng, sáo, Kní…; sưu tầm và hát những bài dân ca, tạc tượng gỗ, chế tác và biểu diễn đàn đá.

 Trong số các nhạc cụ bằng tre nứa, gần gũi và thân thuộc nhất với A Huynh là Ting ning. Đó là  loại đàn được làm từ các vật liệu đơn giản như ống nứa, thanh tre, gỗ, dây kẽm, dây mây, quả bầu khô; song đòi hỏi khả năng kết hợp khéo léo của người chế tác. Ting ning  không dễ chơi, vì phải sử dụng cả hai tay để bấm trên “phím đàn”.   Chế tác đàn Tơ rưng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.Nhờ có bí quyết riêng, nên đàn Tơ rưng của A Huynh không chỉ đẹp, âm thanh hay,  mà còn có “tuổi thọ” dài lâu. K’ni là một nhạc cụ độc đáo, có nguy cơ bị lãng quên của người Ja Rai cũng  được A Huynh dày công chế tác, sử dụng; thường được dùng để đệm khi hát dân ca, hay diễn xướng sử thi.

 Đi bộ đội, được rèn luyện ở vị trí  người lính công binh của lực lượng vũ trang tỉnh từ năm 2002 đến năm 2004, A Huynh bảo,đó là khoảng thời gian vô cùng có ý nghĩa với bản thân anh. Chính trong môi trường quân sự  bài bản, nghiêm túc ấy,  những “ tài lẻ” văn nghệ của A Huynh và đồng đội được khích lệ, phát huy. Cả những ý tưởng bay bổng về chế tác, sử dụng nhạc cụ bằng tre nứa cũng có điều kiện trở thành hiện thực. Sau khi xuất ngũ, trở về địa phương, mặc dù  rất bộn bề, bận rộn với việc nương rẫy,nhưng thời gian và tâm sức dành cho văn hóa dân gian của A Huynh vẫn là điều không thể tính toán.

alt

Ngoài các nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, với A Huynh, đàn đá chính là “báu vật” được tìm thấy. Những phiến đá thô mộc, vô tri, qua bàn tay khéo léo và bằng nhạc cảm tinh tế của  anh, đã thành giàn hòa âm đặc sắc, mới lạ, cuốn hút. Đàn đá được  A Huynh biểu diễn tại các hội thi, hội diễn văn nghệ dân gian, văn hóa truyền thống được huyện, tỉnh tổ chức và tham gia  giới thiệu  tại  các sự kiện văn hóa lớn ở Thủ đô Hà Nội, để lại ấn tượng và làm nên “thương hiệu” A Huynh.

Để lan tỏa niềm say mê, sáng tạo văn hóa dân gian,thời gian qua, A Huynh đã tập hợp, hình thành nhóm nghệ nhân trẻ của làng Chốt. Các nam, nữ thanh niên  tuổi đôi mươi không chỉ diễn xướng cồng chiêng, đàn hát dân ca, mà còn bước đầu được A Huynh chỉ dẫn chế tác một số nhạc cụ dân tộc.

 Thật đáng trân trọng, khi con đường gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của  cha ông người Gia Rai trong đời sống hôm nay vẫn được những người trẻ như A Huynh và thế hệ đi sau tiếp bước.

CTV Thanh Như - VS


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: