A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Kon Tum

  Công viên giọt nước- Nơi tổ chức mít tinh  chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng 8 ở Kon Tum

alt

  Công viên giọt nước- Nơi tổ chức mít tinh  chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng 8 ở Kon Tum

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945 đã đi vào lịch sử  dân tộc, lịch sử Cách mạng Việt Nam là một trong những trang vàng chói lọi nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tháng 8/1945, nỗ lực giành chính quyền về tay nhân dân ở Kon Tum được thực hiện nhờ một bộ phận của lực lượng  khởi nghĩa  ở huyện Ba Tơ ( Tỉnh Quảng Ngãi) tiến lên theo hướng huyện Kon Plông và một phần lực lượng do Ủy ban Cách mạng lâm thời Plei Ku hỗ trợ vào thị xã Kon Tum.

Trong quá trình  tham gia nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “ Kon Tum- 100 năm  lịch sử và phát triển”, kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (9/3/1913-9/3/2013), nhà sử học Dương Trung Quốc- Phó chủ tịch  kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta giành độc lập dân  tộc  từ tay  chủ nghĩa thực dân Pháp, phát xít Nhật,  đánh đổ chế độ phong kiến.  Điều  hết sức quan trọng là  chúng ta đã  xác lập được lãnh thổ quốc gia  trên tinh thần thống nhất quốc gia  và quy tụ được tất cả các tầng lớp dân tộc khác nhau có những nền văn hóa tưởng chừng rất  khác nhau trong  một lực lượng dân tộc.”     

Ở Kon Tum, trước khí thế “ như nước vỡ bờ” khắp cả nước vào tháng 8 năm 1945, chính nỗ lực quy tụ các tầng lớp nhân dân, đoàn kết Kinh-Thượng là cơ sở để khởi nghĩa dành chính quyền từ tay lính Nhật tại thị xã tỉnh lỵ diễn ra một cách nhanh chóng, thuận lợi. Ủy ban Cách mạng lâm thời được thành lập trên cơ sở tập hợp nhóm trí thức đứng đầu là các ông Võ Văn Dật, Hoàng Lẫm, Tôn Thất Hy… 72 năm trước, khu vực  từ  bờ  bắc cầu Đăk Bla đến sân vận động (cũ) là nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại- mít tinh chào mừng Cách mạng thắng lợi.

Ông Nguyễn Văn Minh- Cán bộ hưu trí ở Phường Duy Tân, thành phố Kon Tum là một trong số ít người cao tuổi thuộc thế hệ Cách mạng tháng 8  ở Kon Tum và là người thiếu niên duy nhất ngày ấy theo Việt Minh hiện còn sống tại địa bàn tỉnh. Năm 1945, ông Minh 14 tuổi, “ ăn chưa no”nói gì đến lo lắng công việc.Tuy vậy, ông vẫn nhớ, sáng 28 tháng 8 năm 1945; qua một đêm thức dậy, đã thấy mọi người  từ các nơi kéo nhau đổ về trung tâm thị xã  rất đông. Tại cửa ngõ vào trung tâm tỉnh lỵ, nay là khu vực Công viên Giọt nước-Bờ bắc cầu Đăk Bla- đã diễn ra một cuộc mit tinh lớn do Ủy ban lâm thời của Việt Minh  tổ chức. Ở đó, chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến; chào mừng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền  về tay nhân dân.

Sau mit tinh, ông Minh  được tuyển đi học thiếu sinh quân, rồi vào bộ đội, tham gia đánh đồn Kon Plông. Năm 1954, ông Minh  tập kết ra Bắc, được đào tạo kỹ thuật thiết giáp ở Trung Quốc, Liên xô  và trở thành giảng viên huấn luyện sĩ quan Tăng- Thiết giáp ở miền Bắc. Sau giải phóng, ông đưa gia đình trở lại Kon Tum sinh sống.

Trên cơ sở giành chính quyền, cuối năm 1945, Kon Tum đã  được Xứ ủy Trung kỳ tăng cường Đảng viên từ đồng bằng lên, thành lập lại chi bộ  Đảng, làm cơ sở tổ chức, duy trì, phát triển sự lãnh đạo của Đảng ở vùng cực bắc Tây Nguyên  liên tục từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Hồng Dâu ( A Dâu)-  Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sa Thầy được sinh ra ở vùng núi Rờ Cơi, giáp biên giới Việt Nam- Campuchia. Ngày cách mạng Tháng Tám thành công, ông mới ba tuổi.16- 17 tuổi, ông theo cách mạng, làm liên lạc cho cán bộ, bộ đội. Năm 1960, ông vào bộ đội của Quân khu 5, công tác ở chiến trường B3. Sau giải phóng, 20 năm ông giữ cương vị Huyện đội phó, Huyện đội trưởng huyện Sa Thầy.Năm 2000, ông nghỉ hưu, tiếp tục tham gia công tác Hội Cựu chiến binh. Ông Dâu bảo, ngày trước, ông bà cha mẹ mình còn chưa có tấm áo, manh quần; đói rét, khổ sở nhiều bề. Đi theo Cách mạng, làng bản có đường, có điện; bà con không còn thiếu cơm lạt muối; cuộc sống ngày càng no ấm, tiến bộ. Con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa được học hành; nhiều em học cao đẳng, đại học. Vợ chồng ông Dâu có 5 người con, hiện nay đều đã trưởng thành. Hai người theo đường  binh nghiệp của cha. “Không có Cách mạng Tháng Tám, làm sao có cuộc sống của mỗi người, có đất nước như hôm nay…”-Ông Dâu khẳng định.

Cách mạng tháng 8 đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi đêm đen đô hộ, đưa dân ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng 8 đã để lại những bài học và kinh nghiệm quý báu về thời cơ cách mạng, vai trò lãnh đạo của  Đảng, tinh thần  nỗ lực và sáng tạo, yêu cầu phát  huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của toàn dân … Cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum luôn thấm nhuần và phát huy mạnh mẽ tinh thần những bài học và kinh nghiệm quý  báu ấy trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dâ các dân tộc anh em đã hy sinh xương máu; cống hiến tâm sức, trí tuệ; chung tay, góp sức xây dựng mảnh đất cực bắc Tây Nguyên ngày càng ổn định và phát triển ./.

                                                                                                                                                          Thanh Như-VS

                                                                                                                                                              

                                                                         

 


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: