A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với những bài thuốc tự phòng ngừa, điều trị Covid-19 trên mạng

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng quá mức. Lợi dụng tâm lý này, trên một số website, trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin, quảng cáo về các “phác đồ”, loại thuốc được cho là có tác dụng phòng, điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, việc người dân tự ý áp dụng và sử dụng thuốc theo các hướng dẫn của “bác sĩ mạng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Chỉ cần nhập cụm từ “Những bài thuốc chữa khỏi Covid-19 tại nhà” trên Google, trong vòng 0,25 giây đã có khoảng 10.100.000 kết quả được tìm thấy. Trong đó, có rất nhiều thông tin, bài viết lan truyền về “phác đồ”, “lời khuyên”, cách thức phòng ngừa, chữa trị Covid-19…với đủ bài thuốc từ ăn, uống đến xịt, xông, Đông-Tây kết hợp…Chẳng hạn như ăn tỏi hoặc uống nước tỏi đun sôi có thể bảo vệ không bị nhiễm vi rút; dùng cồn hoặc thuốc tẩy phun lên quần áo và cơ thể là có thể giết được vi rút; uống thuốc kháng sinh có hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị Covid-19; dùng Paracetamol liều cao uống mỗi ngày kèm theo uống nước mật ong, chanh, sả, gừng và xông hơi…Tất cả đều khẳng định rằng có tác dụng phòng ngừa, chữa khỏi, thậm chí là “đánh bay” Covid-19.

Nhất là, vào thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao và tốc độ lây lan nhanh ở nhiều địa phương khiến không ít người có tâm lí lo lắng thái quá, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được thổi phồng công dụng có thể kháng vi rút kháng Covid-19, giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng. Các loại vitamin C, thuốc bổ, dầu tỏi, thuốc xịt họng; nhất là các loại thuốc hỗ trợ đường hô hấp như Thymosin, Boni, Detoxlun… luôn gắn kèm với công dụng phòng ngừa Covid-19 nhằm thu hút người tiêu dùng.

Thực hiện nghiêm 5k là góp phần bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch Covid-19.

 

Trong khi hiệu quả của các “bài thuốc”, các loại thảo dược, tân dược này chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh, thậm chí các loại thuốc này đã được cấp phép lưu hành trên thị trường hay chưa cũng chẳng ai biết, nhưng nhiều người dân đã tin tưởng áp dụng, làm theo hoặc tìm mua thuốc để tích trữ, tự sử dụng, điều trị dự phòng.

Ở tỉnh ta, tuy tình hình dịch bệnh chưa đến mức căng thẳng, nhưng thời gian qua, cũng đã có một bộ phận người dân tin theo lời “bác sĩ mạng” đã đổ xô đi mua các loại vitamin C, thuốc bổ, dầu tỏi, thuốc xịt họng…về sử dụng với suy nghĩ để phòng ngừa Covid-19.

Theo cảnh báo của ngành Y tế, việc người dân tự ý áp dụng các “phác đồ” phòng ngừa, điều trị Covid-19; sử dụng các loại dược phẩm không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đồng thời còn gây xáo trộn trên thị trường thuốc. Bởi vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng tránh “tiền mất tật mang”.

Để góp phần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19, thời gian qua, Sở Y tế liên tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra thị trường thuốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Hiện nay, Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Phòng Y tế các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19; xử lý các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất hợp lý làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19…

Với suy nghĩ “cái gì không biết thì tra Google” và sử dụng một cách thiếu thận trọng của một số người có thể gây nguy hiểm cho bản thân và nhiều người khác. Vì vậy, thay vì tìm kiếm những bài thuốc “trôi nổi” trên mạng xã hội, tin theo “thần y” Internet thì mỗi người hãy tự giác thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 khi đến lượt cùng với việc xây dựng lối sống lành mạnh giúp nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng để “chung sống an toàn với dịch bệnh”.    

Nguồn baokontum.com.vn - TĐ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: