A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 3/2024

I. ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN TRONG THÁNG

* Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị, tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng 3, chi đoàn lựa chọn nội dung trong Bản tin sinh hoạt chi đoàn tháng 03-2024 để sinh hoạt. Trong đó, cần tập trung:

1.  Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đoàn viên thanh niên về Chiến thắng Điện Biên phủ. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, mạng xã hội, sinh hoạt đảng, đoàn thể, sinh hoạt chi đoàn; phát động phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao chào mừng kỷ niệm Sự kiện trên; khuyến khích cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tàng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 70 năm Ngay ký Hiệp định Giơ-ne-vơ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

2. Tuyên truyền việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 (theo Kế hoạch số 125-KH/TU, ngày 26/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ). Trong đó, tiếp tục tuyên truyền về triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2023 của tỉnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tuỵ, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”; Tài liệu “Những nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Người”.

3. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và Kế hoạch số 120-KH/TU, ngày 04/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên về đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng.

4. Tuyên truyền các chỉ tiêu và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về kinh tế - xã hội – văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xậy dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024 được xác định trong Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 05/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI. Chỉ tị số 08/CT-UBND, ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh về Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024; trong đó chú trọng tuyên truyền kết quả các phong trào như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”;…

5. Tuyên truyền kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; 03 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bài dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Hưởng ứng “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” trên địa bàn tỉnh; tăng cường thông tin tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng tránh các thủ đoạn hoạt động của tội phạm không gian mạng.

Các ngày kỷ niệm trong tháng 3:

- 03/03: Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân.

- 08/03: Ngày Quốc tế Phụ nữ.

- 16/03: Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum.

- 26/03: Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- 27/03: Ngày Thể thao Việt Nam.

- 28/03: Ngày thành lập lực lượng Dân quân tự vệ.

II. THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN CHUYÊN ĐỀ

*Chuyên đề:  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tuỵ, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”.

1. Khái niệm về sự tận tâm, tận tụy

Tận tâm là sự cố gắng hết khả năng, sức lực, tâm huyết, để làm một công việc nào đó đạt đến kết quả cuối cùng một cách tốt nhất và dám chịu trách nhiệm dù kết quả đó thành công hay thất bại. 

Một người làm việc tận tâm là người có tính tự giác cao, bắt nguồn từ mong muốn không chỉ là hoàn thành công việc mà còn là cống hiến hết mình cho việc đó. 

Tận tụy là sự nhiệt tình, hết lòng, hết sức với công việc của mình làm; tận lực với trách nhiệm được giao. 

Tận tụy được biểu hiện qua các đức tính cần cù, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ, hy sinh; qua cách làm việc chu đáo, tỉ mỉ với tinh thần trách nhiệm cao, không vì lợi ích riêng tư, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Tận tâm, tận tụy là nguyên nhân nguồn gốc của chất lượng và hiệu quả công việc; đã tận tâm, tận tụy thì dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng quyết tâm làm, nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng; không tận tâm, tận tụy thì dù việc rất dễ dàng cũng khó bảo đảm thành công.

Tận tâm, tận tuỵ là một đức tính quan trọng mà bất cứ ai cũng cần có. Trong công việc, sự tận tâm, tận tuỵ được thể hiện dưới nhiều hình thức, gồm thời gian đầu tư cho công việc; là sự trăn trở, suy nghĩ đến công việc để tìm cách nâng cao năng lực, hiệu quả của công việc hay sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư, không vụ lợi.

Người làm việc tận tâm, tận tuỵ là người biết sắp xếp quỹ thời gian một cách khoa học và dành nhiều thời gian để làm việc, theo dõi công việc liên tục một cách tự giác, thường xuyên; quan tâm đến từng chi tiết, từng giai đoạn, nhằm mục đích sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó sẽ làm việc có tổ chức, trật tự và khôn khéo hơn; suy nghĩ trước khi hành động, quan tâm tới kết quả đạt được và cống hiến hết mình để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Điều đó giúp cho mục tiêu đề ra được hoàn thành một cách có chất lượng, thể hiện tính chuyên môn và sự đầu tư của bản thân dành cho công việc.

Khi tận tâm, tận tụy trong công việc, cá nhân sẽ nổi trội hơn thông qua việc kiên trì theo đuổi mục tiêu đề ra, học hỏi kinh nghiệm từ những thất bại, tuân theo sự tự kỷ luật, kiểm soát và quyết tâm của chính mình. Hơn nữa, trong xã hội ngày nay, cùng với sự cạnh tranh về trí tuệ và năng lực của mỗi người, thái độ cũng đóng một vai trò quan trọng (“thái độ hơn trình độ”), trực tiếp quyết định đến hành vi một con người, quyết định sự tận tâm làm việc hay chỉ là đối phó, quyết định khả năng thăng tiến trong công việc của một người.

Tận tâm, tận tụy bắt nguồn từ việc làm tốt nhiệm vụ được giao dù là những công việc đơn giản nhất. Việc lớn được hình thành từ quá trình hoàn thành các công việc nhỏ, nếu bỏ qua những hành động nhỏ sẽ không thể nào hoàn thiện được công việc lớn hơn.

Tận tâm, tận tụy trong mối quan hệ với một số tố chất khác như "chân", "chính", "trí", "dũng", "khiêm tốn", "sáng tạo":

+ Tận tâm, tận tụy và “chân”: Tận tâm, tận tuỵ là để soi lại chính bản thân mình, không dùng để đánh giá người khác, cũng không dùng để người khác đánh giá bạn.

+ Tận tâm, tận tuỵ và “chính”: Trong công việc, trước khi tận tâm, tận tụy nhất định phải có “chính”. Phải nhận thức được rõ ràng việc mình phải làm, đường đi, định hướng của mình là gì. Từ đó, dồn công sức và tâm huyết của mình vào con đường ấy.

+ Tận tâm, tận tụy và “trí”: Là sự tận tâm, tận tuỵ nhưng không mù quáng.

+ Tận tâm, tận tuỵ và “dũng”: Để có thể tận tâm, tận tuỵ nhất định phải có “dũng”; là không hèn nhát, không sợ hãi khi đối diện với khó khăn, kiên trì, bền bỉ với công việc của mình, với mục đích của mình.

+ Tận tâm, tận tuỵ và “khiêm tốn”: Người tận tâm, tận tụy chỉ tập trung vào công việc và kết quả của công việc; không khoe khoang, cố chấp hay thể hiện mình; không cần được người khác khen ngợi, hay đãi ngộ tốt hơn.

+ Tận tâm, tận tụy và “sáng tạo”: Tận tâm, tận tụy làm việc, tìm tòi, nghiên cứu sẽ phát hiện ra nhiều vấn đề mới, sáng kiến mới hiệu quả.

2. Nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về sự tận tâm, tận tụy

- Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về sự tận tâm, tận tụy: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về sự tận tâm, tận tụy với công việc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn là một mẫu mực về tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Người luôn dồn hết tâm lực, trí tuệ để cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng, phát triển đất nước, với một mong ước cháy bỏng làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo Hồ Chí Minh, Tổ quốc - Đất nước là của tất cả mọi người Việt Nam và Nhân dân chính là chủ nhân của đất nước. Tổ quốc và Nhân dân có mối quan hệ máu thịt, theo nghĩa “đồng bào”. Khi Tổ quốc lâm nguy thì mọi người phải "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực, tận tình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người dạy: Việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh; "Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân - tức là phục tùng chân lý". Mục đích hoạt động của các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên là nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân, cả đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần. Cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Bác nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc,
ai cũng được học hành”.
Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30- 5-1946), Hồ Chí Minh khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng ngày đêm, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó… bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Và, trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

- Phong cách Hồ Chí Minh về sự tận tâm, tận tụy: Phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm. Đây vừa là phong cách công tác, vừa là phương pháp tư duy hữu hiệu của người cán bộ cách mạng. Người đặc biệt lưu ý, người cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải “miệng nói tay làm, làm gương cho người khác” vì theo Người, “các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với những cán bộ "miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa ngủ trễ, bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền hàng trăm năm cũng vô ích". Đó là những cán bộ hỏng. Còn với những cán bộ chỉ biết nói suông, "Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được", những người như thế tuy là thật thà, trung thành nhưng không có năng lực, vì vậy, không thể dùng những người đó vào công việc thực tế. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ: “Làm việc không thiết thực… Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý, đối với Nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông, Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực của cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự tận tụy, thể hiện ở phong cách làm việc; là tấm gương mẫu mực về “đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn”. Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”, “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Trong những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, phong cách làm việc của người được thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cách giải quyết công việc hằng ngày trên cương vị là Người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Nét nổi bật trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người. Người quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, hiếm
khi để bất cứ ai phải đợi mình, đã hẹn là đến, đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào, giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Người đã chờ sẵn, hẹn cán bộ, quần chúng nào, dù khó khăn đến mấy cũng đến và đến đúng giờ. Một lần, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: Chú đến chậm mấy phút? Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ! Bác nói: Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây...

Theo lời kể từ Thư ký của Bác, một ngày làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ rất sớm: “Khi Đài tiếng nói Việt Nam mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm đến tận đêm khuya”. Trong một ngày, Người giải quyết rất nhiều công việc từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư... với sự phân bổ thời gian hợp lý, khoa học đã giúp Người tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Người tiết kiệm và sử dụng thời gian một cách hợp lý tối đa cho công việc, Người thường bố trí thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Làm việc với ngành nào, địa phương nào, Người cho mời các đồng chí phụ trách trực tiếp vấn đề đó đến họp bàn ngay, rất cụ thể và thiết thực, vừa tiết kiệm được thời gian. Người thường nhắc cán bộ phải luôn luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian. Người tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút cho công việc. Là người có nhiều thời gian sống gần Bác, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Theo tôi biết... thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào, bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó. Có lẽ lúc nghỉ ngơi là lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong thời chống Mỹ, hoặc trong lúc xem phim vui tối thứ Bảy ở Phủ Chủ tịch cùng với bao con cháu các đồng chí làm việc ở chỗ Bác và một số cơ quan gần bên. Có khi, trong những buổi xem phim như vậy, Bác tiếp khách nước ngoài hoặc Đại sứ các nước anh em”.

Tấm gương mẫu mực suốt đời tận tâm, tận tụy, phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

3. Một số tiêu chí nhận biết về sự tận tâm, tận tụy

Từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ta có thể thấy, tận tâm, tận tụy là sự siêng năng, toàn tâm toàn ý vì công việc, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, nhưng không phải mưu cầu cho lợi ích cá nhân, mà cho Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân. Vì vậy, sự tận tâm, tận tụy, trước hết phải gắn với mục đích của lợi ích hướng tới ai. Ví dụ: chăm chỉ làm việc, làm ngày, làm đêm để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao nhằm đạt các danh hiệu thi đua, được tăng lương hay nhận các hình thức khen thưởng thì chưa được gọi là sự tận tụy. Mặc dù biểu hiện hành vi có giống nhau, kết quả đạt được có thể cũng giống nhau, nhưng mục đích hướng tới lại là lợi ích của cá nhân. Lợi ích này không sai, thậm chí, nên khuyến khích, vì nó cũng là động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, đó chỉ mới dừng ở sự mẫn cán, chăm chỉ. Sự tận tụy nên được hiểu là sự đau đáu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích Nhân dân, lợi ích đoàn thể, cộng đồng, vì uy tín của ngành, của địa phương, đơn vị.

Như vậy, một người được đánh giá là tận tâm, tận tụy thường có những biểu hiện nhận diện sau:

- Say mê (đam mê), có trách nhiệm cao với công việc được giao;

- Luôn có tinh thần cầu tiến, chủ động học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

- Thường xuyên tham mưu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp đổi mới;

- Làm việc đúng giờ và chỉn chu trong mọi cuộc họp;

- Luôn có thái độ vui vẻ, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ;

- Có tinh thần tự phê bình và phê bình, luôn chú ý phát huy ưu điểm, tự giác sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm;

- Không đòi hỏi lợi ích cho mình khi thực thi nhiệm vụ;

- Luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.

Xem chi tiết tại: https://tuyengiaokontum.org.vn/laws/detail/huong-dan-trien-khai-Chuyen-de-cua-tinh-nam-2023-Hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-Ho-Chi-Minh-ve-tan-tam-tan-tuy-gop-phan-xay-dung-tinh-Kon-Tum-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-543/

* Chuyên đề: CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỈNH KON TUM HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TẬN TÂM, TẬN TỤY, GÓP PHẦN XÂY DỰNG TỈNH KON TUM PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tụy, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, cán bộ, đảng viên tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:

- Nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng đường lối quần chúng để làm tròn trách nhiệm được giao:

Cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao để chỉ đạo, triển khai thực hiện cho đúng đắn, sát thực, đạt hiệu quả cao nhất (phải luôn đúng vai, thuộc bài).

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, cán bộ, đảng viên được giao triển khai thực hiện phải nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị, địa phương mình. Sau đó, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giải thích, làm cho mọi người hiểu rõ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

- Tích cực nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ lý luận và chuyên môn: Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả; tích cực, chủ động, tự giác tham gia học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; phải gắn lý luận với thực tiễn, nắm vững lý luận và có biện pháp giải quyết thấu đáo các vấn đề cụ thể, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.

- Nâng cao trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác; tích cực, tự giác thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao:

Khi được cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ việc lớn hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tự giác thực hiện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng chức trách, đúng thời gian nhiệm vụ được giao, làm đúng chức năng, quyền hạn, phận sự, không bỏ sót việc nào; cũng không lấn sân, không lộng quyền, không lạm quyền và phải hiểu biết công việc mà mình đảm nhận, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công việc mà mình phụ trách. Cán bộ ở cương vị càng cao thì càng phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, tự giác, tận tâm, tận tuỵ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa phải thực hiện đảm bảo chức trách, nhiệm vụ của mình, vừa phải nâng cao trách nhiệm xây dựng tập thể trong sạch, vững mạnh.

- Xây dựng kế hoạch cá nhân một cách khoa học, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong tham mưu triển khai xử lý công việc:

Mỗi người chú ý rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi cao; có sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện khoa học, sáng tạo; có sự tự kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm. 

Cán bộ, đảng viên cần rèn luyện cách nói, lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Phải nghiên cứu thực tiễn; nói, viết, tuyên truyền cho Nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá. Khi nói, viết, cần phải liên hệ với đời sống, điều kiện, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để làm rõ vấn đề cần nói, viết. Ở mỗi một vị trí công tác, cán bộ, đảng viên phải có sự tìm tòi, sáng tạo, đề xuất được những ý kiến hay, những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao; không giáo điều, rập khuôn, không sao chép của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết thấu đáo mọi việc, phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, sự sáng tạo, đổi mới phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới, sáng tạo phải có tính kế thừa, phát triển và tôn trọng giá trị lịch sử.

- Có tinh thần tự phê bình và phê bình; chủ động phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm:

Học tập phong cách làm việc tận tâm, tận tụy của Hồ Chí Minh cũng là phòng, chống, đẩy lùi, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diến biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Cụ thể là biểu hiện "…không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…". Cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, phải chú ý làm rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, phải kết hợp chặt chẽ cả hai mặt tự phê bình và phê bình để mỗi cán bộ, đảng viên đều
có thể rút kinh nghiệm cho chính mình, khắc phục những khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp. Mỗi đảng viên cần tự biết tự phê bình mình trước, rèn luyện phê bình mình trước rồi phê bình người khác sau; đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cần gương mẫu tự phê bình trước, toàn thể đảng viên đều phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên tự đặt ra phương pháp để kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm.

Cán bộ, đảng viên phải phát huy được tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy cái đúng, cái tốt cũng như kịp thời phát hiện cái sai, cái xấu để ngăn chặn, đẩy lùi. Thường xuyên đấu tranh phê bình các biểu hiện làm việc thiếu trách nhiệm như làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, đặc biệt phải kịch liệt đấu tranh với biểu hiện nói một đằng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm…

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phát huy vai trò nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển đối với bản thân và của cơ quan, đơn vị.

III. TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tài liệu: Vai trò của thanh niên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng và tuyên truyện chuyển đổi số (Xem chi tiết tại đây).

Bài giảng: Tổ chức Đoàn làm gì để hỗ trợ thanh niên Chuyển đổi số (Xem chi tiết tại đây).

IV. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 03/2024

Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/1/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ 1/3/2024.

Nghị định số 3/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có hiệu lực từ 1/3/2024.

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao được quy định tại Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/03/2024.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Thông tư số 11/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản có hiệu lực từ 21/3/2024.

Thông tư số 8/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Xem chi tiết tại đây: https://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-3-2024-102240301081120393.htm

V. CÁC VĂN BẢN TUYÊN TRUYỀN

- Công văn số 2246-CV/BTGTU, ngày 23/02/2024 về việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các kết luận của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

- Công văn số 1210-CV/TU, ngày 20/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2026).

- Công văn số 2939-CV/TWĐTN-BTG, ngày 21/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

- Thông báo số 1296/TB-VP, ngày 27/02/2024 của Văn phòng UBND tỉnh về việc Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnhY Ngọc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Công văn số 261/UBND-NNTN, ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai các giải pháp để ngăn chặn, diệt trừ cây Mai Dương.

- Công văn số 536/SNV-TĐKT, ngày 27/02/2024 của Sở Nội vụ về việc phổ biến Thông tư số 1/2024/TT-BNV ngày 24/02/2024 của Bộ Nội vụ.

- Kế hoạch số 693/KH-UBND, ngày 28/02/2024 của UBND tỉnh về việc tuyên truyền công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024.

- Kế hoạch số 687/KH-BCĐ, ngày 02/02/2024 của BCĐ phòng, chống tác hại của thuốc lá về Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Kế hoạch số 39/KH-SVHTTDL, ngày 05/03/2024 của Sở VHTT&DL về việc tổ chức hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/03 năm 2024.

- Công văn số 2271-CV/BTGTU, ngày 06/03/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về việc cung cấp Tài liệu thông tin nội bộ về thành tựu đối ngoại Việt Nam.
- Hướng dẫn số 141-HD/BTGTW, ngày 05/02/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng về việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

------------------


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: