A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau ngày tòng quân

Đã một tuần trôi qua, kể từ hôm 3 cậu thanh niên của xóm tôi nhập ngũ, mỗi buổi tối, sau bữa cơm, mấy gia đình lại ngồi quây quần với nhau trò chuyện trên trời dưới đất, cuối cùng cũng quay về chủ đề “con chúng ta”.

Bao giờ cuộc nói chuyện cũng bắt đầu bằng cụm từ “mấy đứa nhỏ bây giờ…”. Và kết thúc bằng việc mấy bà mẹ thút thít khóc vì nhớ con.

“Tội cho mấy đứa nó. Từ nhỏ đến giờ đã bao giờ xa nhà đến một tuần đâu. Nay lại phải ở trong môi trường lạ, xung quanh toàn người lạ”. Một bà mẹ sụt sịt nói. Sau đó, mấy ông bố an ủi: Chúng nó vào quân ngũ, có đơn vị, có đồng đội, được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội thì lo cái gì.

Những buổi tối như thế, tôi thường lặng lẽ ngồi nghe và ngắm. Điều lạ là, tôi không thấy sự bi lụy ở hình ảnh những bà mẹ đang thút thít khóc vì nhớ con ấy. Mà trong đó lại lấp lánh niềm tự hào.

Tôi cũng thấy những giọt lệ yêu thương nhưng không bi lụy, ẩn chứa niềm tự hào ở nhiều bà mẹ trong lễ giao, nhận quân tại Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum) sáng 27/2. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lễ tiễn quân phải rút gọn và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, nhưng không vì thế mà bớt đi sự phấn khởi và trang trọng.

Người thân chia tay tân binh. Ảnh: Tất Thành

 

 

Dù khi đứng bên con, đôi mắt của bà mẹ nào cũng ướt lệ. Nhưng khi thấy con mình, chững chạc trong quân phục, theo hàng ngũ điệp trùng bước lên cầu Vinh quang, thì đôi mắt ấy lại ánh lên niềm vui, như muốn nói rằng: Đó, mọi người coi, mới đó mà thằng cu Tí nhà tôi đã vào bộ đội. Chững chạc, rắn rỏi chưa.

Một ông bố đứng ngắm con trai với ánh mắt thương yêu. Hôm nay nó bước sang tuổi 19. Tôi đến động viên con, giúp con có tinh thần, ý chí lên đường. Tôi chỉ mong con được rèn giũa trong môi trường quân đội, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học tập, huấn luyện, theo kịp đồng đội- ông rủ rỉ.

Có những ông bố thì điềm tĩnh vỗ vai con, nói ngắn gọn: Cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Huấn luyện cho giỏi, thực hiện kỷ luật cho nghiêm, bố mong ngày trở về, con sẽ trưởng thành.

Vài câu nhắn nhủ ngắn gọn thôi, nhưng chứa đựng tấm lòng của người cha, với tất cả yêu thương và hy vọng. 

Không khí náo nức mà thân tình, trạng trọng mà hiền hòa ấy làm tôi nhớ lại buổi tiễn quân đầu tiên mà tôi được dự cách đây tròn 30 năm, khi tôi 16 tuổi, với tư cách “tiễn người nhà”. Hay nói một cách tự hào, trong hàng trăm thanh niên mạnh khỏe, đẹp đẽ đang đứng dưới quân kỳ kia có anh họ tôi.

Đã quá lâu để tôi có thể nhớ chi tiết về buổi tiễn quân ấy. Nhưng nhìn chung, đó là một ngày rất vui, rất náo nức, với cờ, với hoa và những âm thanh rộn rã, tưng bừng từ loa phóng thanh như hôm nay. Loa cũng phát những bài hát mang giai điệu hào hùng, thúc giục, làm lòng người phấn khởi, hào hứng như hôm nay.

Ở quê tôi hồi ấy, nhập ngũ là một niềm vinh dự, tự nguyện xin nhập ngũ càng vinh dự hơn, được dân làng khen ngợi. Dù đó đang là những ngày hết sức bận rộn, như cách gọi ở quê tôi là dịp "đông vụ chí kỳ", trà mạ Đông xuân gieo trên sân gạch vừa đủ ngày tuổi, chờ nhà nông làm đất để "xuống đồng", nhưng ngày tòng quân, cả làng nghỉ việc, rồng rắn kéo nhau đưa tiễn.

Mấy đứa choai choai như tôi còn nghĩ ra trò theo dõi xem trong làng có nhà nào không cử người đi không? Nhà nào đi ít, nhà nào đi nhiều? Liệu người làng mình có đông hơn làng dưới hay không…? Người lớn biết chuyện, rầy vài câu rồi cho qua. Âu cũng là vì chúng tôi vui quá mà thôi.

Mờ sáng, tôi và đám bạn đã bám theo người lớn đạp xe vượt quãng đường 15km lên sân vận động huyện để tiễn chân những thanh niên làng tòng quân.

Trong số rất nhiều chàng trai mặt còn phính phính, ria mép lún phún, đang lúng túng, ngượng ngập trong bộ quân phục mới cứng, như được nhúng hồ ấy, có anh họ tôi. Nổi bật bởi vóc dáng cao lớn và nước da đen cháy, anh ngó nghiêng khắp nơi, ra chiều hứng thú lắm.

Khi trên loa đang đọc danh sách tân binh và đơn vị nhận quân, mọi người vây quanh anh và các bạn. Đám trẻ nhét vào ba lô, vào tay các anh đủ thứ linh tinh. Khăn mùi xoa, lọ dầu gió, sổ tay, bút, album… Còn mẹ anh, như bao bà mẹ khác, thì rờ đôi vai rộng, sụt sịt khóc.

Bố anh (tức bác họ tôi) nạt: Có gì mà phải khóc. Nó đi 2 năm rồi về. Rèn luyện qua quân ngũ mới trưởng thành, mới nên người được.

Anh cười. Ở làng, anh có tiếng khỏe mạnh, giỏi việc, khéo miệng, mấy bà có con gái độ tuổi cập kê ngó anh dữ lắm. Nhưng lại cũng nghịch ngợm có tiếng. Bác thường răn: Đủ tuổi, cho mi vô bộ đội, may ra mới hết phá.

Thế mà anh xung phong nhập ngũ thật. Dù trong nhà là con trai một. Mẹ anh không chịu, nhưng bố anh thì ủng hộ ngay.

Đến bây giờ, anh vẫn công tác trong Quân đội, là một sĩ quan cao cấp. Thỉnh thoảng nhắc lại, anh vẫn cười: Hồi đó tau xung phong nhập ngũ, phần vì mê làm bộ đội quá, phần vì nghe ông cụ nói nên tự ái.

Đó là chuyện sau này. Còn hôm ấy, từ lúc đoàn người bắt đầu lên đường, bác tôi không nói gì. Chỉ đến khi loa gọi tên anh lên xe về đơn vị mới, ông mới vỗ vỗ lưng anh: Con đi mạnh giỏi. Cố mà bằng anh bằng em. Đừng lo chuyện nhà.

Lần đầu tiên tôi thấy anh rơm rớm nước mắt. Hẳn rằng lúc này, anh đang nghĩ đến những mảnh ruộng lầy, những khoảnh đồi cằn cỗi mà bố anh sẽ phải dốc sức cày cấy, trong khi muốn canh tác tốt cần có sức lực của thanh niên.

Và để không phụ lòng tin của bố mẹ, người thân, 2 năm quân ngũ là 2 năm anh luôn nỗ lực, kết quả huấn luyện đạt loại giỏi. Hết giờ trên thao trường hay tăng gia sản xuất là anh miệt mài ôn tập bài vở. Khi ra quân, anh cũng thi đậu vào một trường quân đội…

Chiều nay, mấy gia đình xóm tôi lại quây quần bên nhau nói chuyện về 3 chàng tân binh. Hẳn rằng, ở đơn vị mới, mỗi tân binh đều hiểu rằng, họ vẫn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của gia đình; người thân vẫn lưu giữ hình ảnh ngày tòng quân với niềm hãnh diện, để rồi không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện.

Tôi tin vào điều ấy!  

Nguồn Báo Kon Tum - TH


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: