A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

An Bằng Đung - Người thầy giáo – Cựu chiến binh đa tài, giàu nghị lực.

“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Đó là câu hát luôn thôi thúc người Cựu chiến binh An Bằng Đung để anh lạc quan vượt lên phía trước trong mọi hoàn cảnh.

243321563-3312558378966963-8350513792444523916-n-1633944885.jpg

Anh là giáo viên dạy môn Triết học của trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ. Qua cầu Cái Sơn quẹo phải, vào hẽm nhỏ, đường đất gập ghềnh, theo mũi tên chỉ đường “Trung tâm luyện vẽ An Bằng Đung” tôi tới được nhà anh ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một ao cá rộng bên cạnh vườn cây trái xum xuê nào xoài, dừa, cam, nhãn, mít và hàng nghìn cây cảnh đang ươm. Nhưng điều làm tôi mê nhất là gian điêu khắc tượng. Một quần thể đủ các loại tượng lớn nhỏ, có tượng bằng thạch cao, có tượng bằng compusit, có tượng bán thân, toàn thân… Tôi dừng lại lâu nhất ở những bức tượng về Bác được anh đặc tả rất thành công về đôi mắt, chòm râu, vầng trán… Nhìn cơ ngơi đàng hoàng trong khuôn viên hơn 3000m2, khó ai nghĩ rằng anh đã trải qua nhiều gian lao vất vả.

Gian nan với cuộc mưu sinh và nuôi dưỡng ước mơ:

Nhìn cuộc sống của gia đình anh hôm nay ít ai biết rằng anh đã một thời vật lộn với cuộc sống khó khăn như thế nào để mưu sinh và đứng vững trên bục giảng. Sinh ra và lớn lên ở một vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình trong một gia đình nông dân nghèo, có sáu anh em, mà anh là con trưởng. Từ nhỏ anh đã ước mơ được vẽ và được làm thầy giáo. Nhiều khi chỉ với cục than, cục gạch non anh đã vẽ xuống sân hình cay cối, chim muông, trâu bò, con người trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những năm học Tiểu học hay Trung học anh thường được thầy cô giao phụ trách báo tường của lớp. Những tờ báo do anh trang trí thường đoạt giải Nhất trong dịp lễ 20-11. Ngày chia tay bạn bè nghỉ hè, chỉ với cây bút chì và cuốn sổ, anh đã ký họa lại mấy chục gương mặt trong lớp rát giống để làm kỷ niệm. Nhưng ước mơ làm họa sĩ và thầy giáo của anh chưa thành thì giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc bắn phá ác liệt. Năm 1970, vừa học xong Trung học, mới 17 tuổi, anh xung phong vào bộ đội, và qua các chiến trường ác liệt nhất như: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cho tới ngày toàn thắng. Năm năm chiến đấu dũng cảm anh đã được thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Dũng sĩ quyết thắng hạng Ba, Huy chương kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Giải phóng, Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất...

Giải phóng miền Nam, anh được ra quân. Nuôi ước mơ được làm nghề dạy học từ nhỏ, anh quyết tâm ôn luyện kiến thức để thi vào trường đại học Sư phạm. Qủa nhiên, ước mơ ấy đã trở thành sự thật. Anh đỗ vào trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn với điểm khá cao. Sau 4 năm miệt mài học tập, anh nhận bằng Tốt nghiệp loại giỏi - cử nhân Triết học, rồi được phân về dạy ở trường cấp 2-3 Hoà Vang, Quảng Nam - Đà Nẵng. Một thời gian sau, thấy anh có ý chí và tinh thần tự học, cấp trên lại cử đi học tiếp trường Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để tạo cán bộ “nguồn”. Tốt nghiệp, anh xin về dạy Triết học ở trường Cao đẳng sư phạm Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long, cho gần với cô bạn cùng khóa mà anh yêu mến. Tại đây anh lập gia đình với cô Võ thị Kim Thanh, rồi xin chuyển về định cư ở quê vợ tại xã An Bình, TP Cần Thơ. Anh được tổ chức phân về dạy tại trường Tài chính Kế toán, rồi sau lại chuyển về trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang (cũ) do yêu cầu bố trí của tổ chức. Hơn 10 năm giảng dạy, anh bị thuyên chuyển tới 4 trường. Ở đâu anh cũng thể hiện bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, luôn đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực và những quan niệm sai trái trong giáo dục. Vì thế khi tinh giảm biên chế lãnh đạo trường Trung cấp Nông nghiệp đã gạt anh ra, cho nghỉ hưu non theo chế độ lĩnh một lần. Thời gian này gia đình anh đang rất khó khăn, vợ yếu, hai con còn nhỏ, nhưng anh cương quyết không chịu để cho đói nghèo ghì sát đất.

Về địa phương, với vai trò người đảng viên, anh tham gia công tác xã hội, làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình rồi làm cán bộ khuyến nông của tỉnh Hậu Giang (cũ). Anh đã mày mò đọc sách kỹ thuật về giống cây trồng, đi thực tế xuống tận vườn ruộng, trao đổi trực tiếp với bà con nông dân về các giống lúa mới, về phân bón, cây trồng, vật nuôi, mô hình VAC… được bà con rất yêu mến. Gia đình bốn miệng ăn mà chỉ trông vào đồng lương của vợ, và còn phải cưu mang thêm những đứa em, đứa cháu ngoài Bắc chuyển vào kiếm kế sinh nhai, nên anh đã tranh thủ làm đủ nghề, như: nuôi heo, nuôi cá, đạp xe ôm, dệt thảm cói lác, xe đay, bán bánh bao, bán cà-rem dạo, chở hàng thuê. Anh cho biết: “Mình làm ăn chân chính, kiếm sống bằng sức lao động của mình nên tôi không quản ngại gì. Và tôi sẽ quyết tâm vươn lên làm giàu từng bước bằng đôi tay và khối óc của mình”.

Dù làm việc gì, An Bằng Đung vẫn nhớ về bảng đen phấn trắng mà mình đã làm bạn hơn 10 năm. Được sự giúp đỡ của Sở GD - ĐT Cần Thơ, năm 1995, anh trở lại nghề dạy học, được phân về trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ dạy môn Triết học và làm Trưởng bộ môn Giáo dục công dân. Lúc này hoàn cảnh gia đình đã đỡ khó khăn, càng thôi thúc anh vươn lên thoát nghèo.

Làm giàu bằng nghị lực và khối óc:

Nhiều đêm không ngủ được, anh nghĩ: Mình có kiến thức, có chút năng khiếu trời cho về mỹ thuật, tại sao không phát huy? Vốn yêu thích hội họa, điêu khắc từ nhỏ, lại được một số anh em, bè bạn truyền cho một vài bí quyết về đắp tượng, anh quyết tâm thử tay nghề, bắt tay vào nghiên cứu các giáo trình mỹ thuật, điêu khắc về “tượng”. Và niềm vui đã mĩm cười với anh. Bức tượng đầu tiên mà anh tạc là chân dung Bác ở tư thế bán thân. Anh đã quan sát và xem rất nhiều tranh tượng về Bác của các nhà điêu khắc, họa sĩ tài năng. Cuối cùng anh đã tìm ra được điều thần diệu nhất ở Bác là đôi mắt. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi.

và Ôi người Cha đôi mắt mẹ hiền sao!

Trải qua năm lần bảy lượt tạc thử, tham khảo ý kiến bạn bè có con mắt mỹ thuật, anh đã chọn và cho ra đời “Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh” khá đạt. Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ) là nơi nhận hàng đầu tiên của anh. Từ đó, anh được nhiều đơn vị khác, đặc biệt là các trường học đặt làm tượng Bác để thờ và các tượng về danh nhân, anh hùng, liệt sĩ…

243355629-3312558492300285-2436489401882008740-n-1633944886.jpg

Bức tượng chân dung người anh hùng “Lý Tự Trọng bất tử ở tuổi 17” của anh đặt ở khuôn viên trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ rất sinh động, đã đem về cho anh khoản tiền 38 triệu đồng. Với số tiền này anh đầu tư mở rộng xưởng vẽ và kết hợp chăn nuôi, trồng trọt. Tiếp theo là các tượng anh hùng liệt sĩ Nguyễn Việt Dũng cho trường THPT bán công Nguyễn Việt Dũng, tượng anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Ngọc Hoằng - nguyên Gíam đốc nông trường sông Hậu, tượng danh nhân Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, tượng về cố nhà thơ Lâm Thao... Các bức tượng ấy đã đem về cho anh nhiều triệu, và cái nghèo dần theo gió bay đi. “Tiếng lành đồn xa”, anh nhận được nhiều đơn đặt hàng của các cá nhân và tập thể. Lúc này anh đã chuyển đổi làm tượng từ chất liệu xi măng cốt sắt sang chất liệu compusit vừa nhẹ vừa bền. Chân dung các bức tượng đều được anh soạn thảo một bước trên vi tính, và khi khách hàng ưng ý rồi, anh mới bắt tay chế tác. Đặc biệt anh đã đầu tư lớn cho việc xây dựng lại nhà xưởng và các trang thiết bị tạc tượng.

Bằng ngôn ngữ tạo hình qua đường nét, hình khối, với sự kết hợp chất liệu làm tượng truyền thống và hiện đại, anh đã có được những bức tượng thật sinh động, giàu tính tư tưởng và thẩm mỹ. Nghệ thuật điêu khắc của anh vừa gần gũi với hiện thực vừa thấm đượm chất trữ tình làm người xem rất dễ cảm nhận. Tượng của anh luôn toát lên cái hồn vía của nhân vật. Ngoài việc tạc tượng, vẽ tranh anh còn dạy luyện thi đại học cho những học sinh sẽ thi vào đại học Kiến trúc, đại học Xây dựng, đại học Mỹ thuật, trường Cao đẳng, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật... Hiện nay, hàng tuần có hơn 50 học sinh theo học tại nhà. Được dạy học là niềm vui, anh muốn truyền sự đam mê mỹ thuật tới những học sinh có năng khiếu. Không như những Trung tâm luyện thi khác ở TP Cần Thơ mà người tổ chức chủ yếu nhằm mục đích kinh doanh. Trung tâm luyện vẽ của anh chỉ thu nhận những học sinh yêu thích mỹ thuật. Em nào có bao nhiêu tiền đóng học phí theo tháng hay cả khóa cũng được. Anh chỉ thu học phí chỉ bằng 1/3 so với các Trung tâm luyện thi khác. Những học sinh nghèo được anh miễn giảm một nửa hoặc không thu học phí. Phụ huynh học sinh thấy hoàn cảnh nhà thầy còn khó khăn nên nhiều người tự nguyện đóng cao hơn anh cũng không nhận.

Với số tiền tích lũy được anh mua thêm đất, phát triển mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) khép kín, phá vườn tạp, nhân giống nhiều loại cây cảnh, nuôi cá tai tượng, cá điêu hồng, ba ba, nuôi gà thả vườn trên diện tích gần 3.000m2. Bằng kiến thức tích lũy được từ những năm làm công tác Khuyến nông nên việc trồng trọt chăn nuôi của anh ít khi bị thất bại. Mỗi năm thu hoạch vài trăm triệu đồng từ cá, ba ba, cây cảnh. Đặc biệt nhất là những chậu mai kiểng “bon-sai” có thế uốn lượn độc đáo của con mắt và bàn tay khéo léo của “nhà tạo hình” “điêu khắc” nên dịp Tết luôn được khách hàng đặt mua trước. Tiền bán mai Tết mỗi năm cũng thu từ vài chục đền trăm triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh đã qua cơn bĩ cực tới hồi thới lai.

Đến nay anh đã có ngôi nhà khang trang, và nhiều dụng cụ trang trí nội thất đời mới, sang trọng, đắt tiền. Anh còn xây hằn một ngôi nhà hình vuông hơn 40m2, ba mặt treo đầy phong lan rực rỡ để tiếp bạn bè và làm chỗ nghỉ ngơi sau giờ lao động.  Hai con trai của anh đều là học sinh giỏi đoạt giải quốc gia của trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ. An Võ Đức Anh tốt nghiệp loại xuất sắc khoa Cơ khí hàng không Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, được cử sang Nhật học Thạc sĩ rồi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, đã lấy bằng Tiến sĩ về ngành Hàng không vũ trụ và đang học chương trình sau Tiến sĩ. Con trai thứ hai là An Võ Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - khoa tiếng Pháp, hiện là giảng viên Đại học Cần Thơ đã tu nghiệp đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Pháp. Bà xã anh - chị Võ Thị Kim Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Quản lý Nhà nước của trường Chính trị TP Cần Thơ, đã nghỉ hưu từ 2007, cho biết: “Gia đình tôi từ khi chuyển từ Vĩnh Long về Cần Thơ chỉ có hai bàn tay trắng với túp lều tranh, mấy chục mét vuông đất ba má cho. Có những lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua. May nhờ nghị lực của anh ấy nên bây giờ mới được thế này, tuy tính anh ấy hơi quyết đoán”. Tôi bảo: “Chính nhờ tính quyết đoán – dám nghĩ dám làm, mà anh ấy đã thành công. Mỗi lần thất bại lại có thêm bài học kinh nghiệm”. Còn anh lại cười: “Tôi biết ơn bà xã nhiều lắm. Dù vất vả bao nhiêu cũng không hề kêu ca. Bà là điểm tựa để tôi vươn lên vượt mọi khó khăn gian khổ, tiếp cho tôi sức mạnh và nghị lực để có được những thành công bước đầu như hôm nay”.

243366693-3312558428966958-5577499803499323924-n-1633944885.jpg

Nhiều con cháu, anh em họ hàng được anh giúp đỡ đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Có thể nói anh là người có bàn tay vàng, có ý chí và nghị lực, không đầu hàng trước hoàn cảnh, không cam chịu cái nghèo, biết vươn lên làm giàu bằng chính chất xám và cơ bắp của mình. Tôi còn nhớ lời phát biểu của ông Nguyễn Trung Vinh - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ (cũ), hôm nghiệm thu công trình tượng đài Lý Tự Trọng: “Tượng của thầy An Bằng Đung không thể lẫn với các tượng của các tác giả khác được. Bởi anh có sự đặc tả đúng tâm hồn nhân vật một cách thần diệu, tài tình. Nếu anh được học đầy đủ ở trường Mỹ thuật chắc chắn tay nghề của anh còn tiến xa hơn”. Khi được hỏi về dự kiến trong thời gian tới, anh cười rất tươi: “Mình chỉ mong các trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung khi được mang tên các anh hùng, liệt sĩ, danh nhân văn hóa đều được tạc tượng để các em học sinh hiểu được hết ý nghĩa tên trường của mình. Bây giờ sức khỏe đã có phần giảm sút do nhiều năm tháng ở chiến trường và cực khổ mưu sinh nên mình muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau. Ngoài ra mình sẽ nhận chu cấp cho một số học sinh nghèo hiếu học”.

Em Giao Ngọc Phong - hiện là kỹ sư kiến trúc, cho biết: “Nhờ thầy An Bằng Đung dạy luyện vẽ cho em nên thi vào Đại học Kiến trúc em đã đạt điểm vẽ rất cao. Nhà em nghèo nên thầy không lấy tiền học phí. Em rất biết ơn thầy. Xã hội ta rất cần những thầy cô có tấm lòng vàng như thầy An Bằng Đung”. Thầy Võ Kim Đơn - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, cho biết: “Suốt thời gian tôi làm Hiệu trưởng nhà trường, hầu như anh An Bằng Đung chưa bao giờ đi trễ hoặc bỏ tiết dạy nào. Là tổ trưởng tổ Giáo dục Công dân, anh luôn gương mẫu trong mọi công việc, hòa nhã thân mật với đồng nghiệp và học sinh, được thầy cô và học sinh rất yêu mến. Anh còn là tấm gương vươn lên trong cuộc sống về xóa đói giảm nghèo ”.

Vĩ thanh:

Trong cuộc thi kể chuyện về gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ, anh đã kể về chính cuộc đời mình vượt gian khổ như thế nào và làm theo lời Bác để có được những thành công như hôm nay, người nghe đã rớt nước mắt, rất khâm phục ý chí và nghị lực của anh. Anh rất tâm đắc mấy câu thơ của Tố Hữu, và luôn dặn lòng mình:

Ta có Bác dẫn đường đi trước

Bác cùng ta mỗi bước gian lao

Vui sao buổi hành quân nắng lửa

Bỗng gặp Người lưng ngựa đèo cao.

Anh thường dặn các con và học sinh: Mỗi lúc gặp khó khăn trở ngại, khi cuộc đời còn nhiều “nắng lửa” hãy “Tiến lên phía trước trên cao ấy/ Bác vẫn giơ tay đón lại gần”.

Trời đã xế chiều, chia tay anh lòng tôi cứ xốn xang xen lẫn bịn rịn khi nhìn người bạn đồng nghiệp ngoài 60 tuổi tóc muối tiêu, nhiều nét nhăn trên mặt nhưng nụ cười rất tươi vẫn ôm ấp nhiều hoài bão về tạc tượng và nghề “trồng người”. Xiết chặt tay nhau, tôi cầu mong anh luôn “chân cứng đá mềm” để những dự định của người thầy giáo “đa tài” giàu nghị lực này sớm trở thành hiện thực và vươn xa hơn nữa./

Theo Trái tim Người lính


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: