A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Trông cây lại nhớ đến Người”

Xuân này, mùa Xuân thứ 52 kể từ ngày Bác đi xa. Nhưng hình bóng và tấm gương của Người vẫn còn đó, vẹn nguyên trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Lớp cha trước, lớp con sau luôn không ngừng học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh: Tư liệu

 

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khởi xướng “Tết trồng cây”. Bác đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Người không chỉ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà còn bằng những hành động, việc làm cụ thể của Người. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Người lại tham gia trồng cây. Và điều không mong đã đến, mùa thu năm ấy, Người đã ra đi mãi mãi…

Từ Tổ y tế đặc biệt được thành lập ngay khi Bác mất, đến nay là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị vinh dự được thực hiện nhiệm vụ “giữ yên giấc ngủ của Người”, đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác; tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm liệt sỹ (Bắc Sơn, Hà Nội) và dâng hương tưởng niệm Bác tại Khu K9. Hơn 45 năm kính cẩn và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, phục vụ chu đáo đồng bào và khách quốc tế, có một nhiệm vụ lặng thầm nhưng không kém phần quan trọng mà những người lính bên Lăng Bác Hồ vẫn miệt mài thực hiện không kể ngày đêm ấy. Đó là duy trì cảnh quan môi trường Khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Khu K9 luôn luôn khang trang, sạch đẹp, văn minh.

Ban Nội chính Trung ương dâng trồng cây lưu niệm tại Khu K9

 

Bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phía trước đó là Quảng trường Ba Đình là nơi hội tụ hơn 300 loài, 70 bộ và 30 họ cây cảnh quý hiếm của các địa phương trong cả nước. Thảm cỏ thiên nhiên trên Quảng trường Ba Đình chia thành 210 ô cỏ xanh tươi là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, giữa các ô có đường đi lại, rộng 1,4m được lát bằng những tấm bê tông sỏi nổi. Những viên sỏi mà các em học sinh của tỉnh miền núi phía Bắc nhặt từ lòng suối, rửa sạch sẽ để lát quanh Lăng và Quảng trường Ba Đình. Xung quanh Lăng Bác là cả một vườn cây quý hiếm, được nhân dân các địa phương cả nước lựa chọn về để xây dựng và tôn tạo Lăng, như tấm lòng các dân tộc Việt Nam luôn hướng về Bác Hồ kính yêu. Những khóm trúc Pác Bó đã từng gắn bó với Bác từ những ngày “cháo bẹ rau măng”; những cây dầu nước là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần kiên cường, bất khuất “đi trước, về sau”, bám trụ trên mảnh đất quê hương đến thắng lợi cuối cùng của đồng bào đất mũi Cà Mau; cây đa được chiết từ cây đa Tân Trào, nơi Bác Hồ và Trung ương đã quyết định Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; cây luồng, cây tre vùng Lam Sơn, Thanh Hóa, tiêu biểu cho ý chí quật khởi của các cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Lê Lợi; cây đào được chiết ghép từ cây đào do người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La; Lăng Bác còn được đón nhận nhiều cây quý từ miền Trung gửi về như quế Trà My, nổi tiếng về chất lượng và mùi thơm; cây cà phê cổ thụ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắc Lắc; cây chè Shan Tuyết cổ thụ của tỉnh Hà Giang... những chậu cây thế, cây cảnh quý hiếm của các địa phương trong cả nước hội tụ về Lăng đều có ý nghĩa và nét đặc trưng riêng, được trồng, sắp đặt, trang trí theo phương châm “Dân tộc, khoa học, hiện đại”, hòa hợp với kiến trúc công trình Lăng “Hiện đại, dân tộc, trang nghiêm và giản dị”, tạo ra một vùng thiên nhiên tươi đẹp, ngào ngạt hương thơm càng làm tôn vẻ đẹp, giản dị mà uy nghi của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu K9 là khu rừng đặc dụng, trải dài trên diện tích 234ha, khu vực này có nhiều những tảng đá thon nhọn, tựa những mũi chông, ngọn mác mọc từ dưới đất lên, vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông. Năm 1957, Bác Hồ đã đặt chân lên Khu Đá Chông và đến năm 1958 Người đã lựa chọn nơi đây để xây dựng khu căn cứ cho Trung ương. Bác Hồ đã trực tiếp chọn hướng cho ngôi “nhà sàn” và căn dặn các đồng chí phụ trách thiết kế, xây dựng phải giữ gìn cây xanh, hạn chế đến mức thấp nhất phải chặt cây để xây nhà. Ngay tại ngôi nhà khách đến nay vẫn còn lưu lại một hiện vật, đó là khi xây nhà, để không phải chặt cây đi, các kỹ sư đã xây ôm lấy một cây xanh (cây thông) vào giữa mái nhà. Và đến nay, cái cây đó vẫn xanh tốt, che bóng mát cho ngôi nhà vào những ngày hè nắng nóng...

Hơn 60 năm qua, kể từ ngày Bác đặt chân lên Đá Chông, 26 năm (1995 - 2021) tổ chức đón đồng bào, năm 2017 đón khách quốc tế vào tham quan khu vực, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, Khu Di tích K9 đã được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn những công trình, hiện vật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và không ngừng được tôn tạo, mở rộng, để hôm nay Khu K9 thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của khách trong nước và quốc tế, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước.

Cùng với việc chăm sóc và bảo vệ cảnh quan hiện có, hằng năm chương trình trồng cây là một trong những sự kiện quan trọng được Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện. Khi bàn giao số lượng cây này cho các đơn vị đầu mối thuộc Bộ Tư lệnh Lăng, đều sinh trưởng tốt. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xác định trong kế hoạch hằng năm. Qua đó, tuyên truyền giáo dục để mọi người nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa của phong trào trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, góp phần giữ gìn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.

Lại một mùa Xuân mới đang đến, cũng có nghĩa là mùa ra quân hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và trực tiếp nêu gương đang đến, cùng với toàn quân, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sẵn sàng cho một mùa ra quân mới, hứa hẹn nhiều kết quả và thành tích nổi bật./.

Nguồn: hochiminh.vn - TH


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: