Sáng 6-9 tại TP.HCM, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ, biểu dương các thế hệ chiến sĩ, tình nguyện viên các thời kỳ, gia đình nuôi tiêu biểu 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TP.HCM (1994 - 2023).
Cùng dự buổi gặp còn có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, thường trực một số tỉnh, thành ủy. Thành Đoàn TP.HCM cho biết hơn 200 đại biểu dự chương trình liên quan đến các hoạt động tình nguyện hè. Hội ngộ chiến sĩ tình nguyện hè các thời kỳ
Các đại biểu được chọn tham gia chương trình là chiến sĩ tình nguyện các thời kỳ của hai chương trình Tiếp sức mùa thi, Gia sư áo xanh cùng các chiến dịch tình nguyện: Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh. Cạnh đó còn có các văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí gắn bó với phong trào tình nguyện hè của TP.HCM 30 năm qua. Đặc biệt, một số đại biểu là đại diện cho hàng nghìn gia đình nuôi quân đã gắn bó cùng bao thế hệ chiến sĩ tình nguyện của thành phố, ngay những ngày đầu chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè từ năm 1994.
Cuộc gặp vừa bắt đầu trong không khí thân tình, cởi mở. Cách riêng với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có thể gọi là "trở về nhà". Ông nguyên là bí thư Thành Đoàn TP.HCM từ tháng 3-2003 cho đến khi được Thành ủy TP.HCM điều động làm bí thư Quận ủy 12 vào tháng 11-2004. Đặc biệt, trong nhiều năm công tác tại Thành Đoàn với nhiều chức vụ, vị trí khác nhau, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh cấp thành phố từ 1999 - 2002.
Ngoài ghi nhận, biểu dương các điển hình tình nguyện hè, chương trình mong muốn là nơi gặp gỡ, giao lưu của chiến sĩ tình nguyện các thời kỳ, gia đình nuôi có nhiều đóng góp, gắn bó với các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TP.HCM qua 30 năm. Đây cũng là dịp cùng trao đổi, chia sẻ, lắng nghe ý kiến góp ý cho các hoạt động, phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố thời gian tới. Thanh niên luôn được lãnh đạo thành phố lắng nghe
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói qua nhiều vị trí và nhiều nơi công tác, ông cảm nhận rõ dù Thành Đoàn TP.HCM là nơi khởi nguồn nhiều phong trào sáng tạo của tuổi trẻ cả nước nhưng mỗi cán bộ luôn tự đòi hỏi cao ở chính mình. Chính yêu cầu ấy đã giúp các bạn luôn tìm tòi, nghĩ ra các hoạt động, phong trào đáp ứng nhu cầu xã hội, thực tiễn cuộc sống. Mà cũng không nơi nào, theo Chủ tịch nước, thanh niên luôn được lãnh đạo lắng nghe, hỏi ý kiến trước nhiều vấn đề lớn của thành phố. Và khi thanh niên chưa nghĩ ra, chưa làm thêm được gì mới, lãnh đạo thành phố lại “trách yêu” thanh niên tụi bây chỉ tới vậy thôi à! Chủ tịch nước nói điều ấy là động lực lớn cho thanh niên trên hành trình phát triển. Từ vị thế người đã từng sống giữa phong trào, ông Thưởng nói rất vui với cách gọi “sinh viên Bác Hồ” mà nhiều già làng, trưởng bản, bà con ở các vùng quê gọi chiến sĩ tình nguyện của TP.HCM.
Tuy vậy, ông Thưởng nói cũng là tình nguyện nhưng cần phải suy nghĩ khác hơn, có yêu cầu cao hơn trong bối cảnh hiện nay. Ông dẫn chứng với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM đạt con số 15.000 USD như mục tiêu hướng đến, thanh niên sẽ làm gì và phải làm gì? Chủ tịch nước nhắc lại từng cái tên các nhạc sĩ, nhà báo, cán bộ Đoàn gắn bó với tình nguyện qua năm tháng bằng những ký ức khó quên, kỷ niệm còn mãi mà ông bảo bồi hồi, xúc động khi hôm nay được gặp lại. Ông Thưởng cho rằng Thành Đoàn không chỉ là tên một tổ chức, mà phải là hình ảnh của lớp trẻ sẵn sàng vươn tới, cống hiến. Ông nói đó là tổ chức Đoàn duy nhất cấp thành phố của cả nước đã hai lần được trao tặng danh hiệu anh hùng. Ông mong mỗi cán bộ Thành Đoàn nói riêng và thanh niên thành phố nói chung sẽ lập thêm nhiều kỳ tích mới đáp ứng nguyện vọng của thanh niên, xứng đáng với kỳ vọng của lãnh đạo thành phố.
“Mong các bạn tiếp tục nghĩ ra các phong trào mới, có thể nhân rộng ra cả nước, tạo nhiều cảm xúc như thế hệ trước tôi và sau tôi đã làm”, Chủ tịch nước nhắn nhủ trong lời kết chương trình. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ cuộc gặp trong không khí thân tình, ấm áp để cùng nhắc nhớ một chặng đường dài vô cùng ý nghĩa của tuổi trẻ thành phố. Và ông cảm ơn Chủ tịch nước đã đến cuộc gặp này, tin rằng tuổi trẻ TP.HCM sẽ được truyền thêm động lực qua trải nghiệm, kinh nghiệm của cá nhân Chủ tịch nước khi có thời thanh niên sôi nổi tại TP.HCM trước đây. Bí thư Nguyễn Văn Nên nói hoạt động tình nguyện đã để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp, ấn tượng sâu đậm không thể nào quên. Ông cho biết đã đọc nhiều trang nhật ký, xem nhiều hình ảnh của các chiến sĩ tình nguyện và rất xúc động, thấy mình như trẻ lại khi có mặt trong chương trình này.
“Tình nguyện đã khẳng định vai trò và vị thế thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành phố. Đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, hình ảnh của lực lượng tuyến đầu, của các bạn trẻ rất rõ nét”, ông Nên phát biểu. 30 năm tình nguyện hè thu hút hơn 5 triệu đoàn viên, thanh niên Phát biểu tại chương trình, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương nói các chiến sĩ tình nguyện đã sẵn sàng dấn thân, tiếp nối hoạt động cả chiều sâu và bề rộng. Từ Ánh sáng văn hóa hè 1994 đã phát triển thành sáu chương trình, chiến dịch tình nguyện thu hút hơn 5 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia 30 năm qua. “Tình nguyện đã chứng minh tư duy sáng tạo, tinh thần đeo bám kiên trì của tổ chức Đoàn - Hội. Hoạt động tình nguyện hè tạo nên sức bật mới cho phong trào thanh niên” - chị Phan Thị Thanh Phương đánh giá. Theo bí thư Thành Đoàn TP.HCM, nhiều sản phẩm tình nguyện mang tính chuyên môn sâu ra đời, hoạt động chuyên nghiệp và các chiến sĩ tình nguyện tiếp nối nhau thực hiện. Điều này đã tạo thêm niềm tin, sự ủng hộ của người dân, các doanh nghiệp, của lãnh đạo với hoạt động thanh niên. Có mặt tại buổi gặp, ông Phạm Văn Đặng - người đã nhiều năm nuôi quân tại ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - kể ngay những ngày đầu của Ánh sáng văn hóa hè, nhà ông đã đón sinh viên tình nguyện về xóa mù chữ cho bà con trong căn nhà sàn mái lá. Ngày mọi người đi biển, tối về lại lên lớp xóa mù chữ do sinh viên tình nguyện đứng lớp. Nhiều bạn sau này vẫn ghé về thăm, đám cưới còn mời hai vợ chồng ông lên dự. Với ông bà, các bạn cũng như con cháu trong nhà. “Các bạn đến giúp vợ tôi cùng nhiều bà con ở xã đảo này biết đọc, biết viết. Cái đó quý lắm. Nên dù hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, chúng tôi và sinh viên cùng ăn, cùng ở, nhà có gì ăn đó, ngủ thì chen nhau nằm cũng không sao”, ông Đặng nói. Hồi ức về một thời thanh xuân Chị Bùi Thị Thúy Bắc (Bến Tre) nói chính tình nguyện đã giúp chị từ một người nhút nhát, mỗi lần phát biểu chỉ đứng khóc trở nên dạn dĩ, tự tin hơn. Chị khẳng định những ngày hoạt động Đoàn, được đi tình nguyện là một quãng thanh xuân tươi đẹp, rực cháy của tuổi trẻ. Điều vui hơn khi chính trong những ngày tình nguyện ấy, chị đã tìm thấy hạnh phúc của đời mình. Anh là cán bộ xã Đoàn tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) mà như chị nói là hiền lành, chân chất. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ ấy nhân lên khi những đứa con chào đời. “Bây giờ gia đình tôi là gia đình tình nguyện, vì con gái lớn lấy chồng cũng là một chiến sĩ Mùa hè xanh, và gia đình chúng tôi vừa đón cháu ngoại”, chị Bắc kể. Ký ức tình nguyện như sợi dây vô hình dẫn bao chiến sĩ như quay trở về những ngày đầu gian khó, khi mà sinh viên chỉ đi làm nhiệm vụ duy nhất là xóa mù chữ cho người dân. Ông Nguyễn Hoàng Năng - nguyên bí thư Thành Đoàn, chỉ huy trưởng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994 - nói có khi chỉ là bó rau, quả trứng mà dù gia đình khá khó khăn, họ vẫn để dành cho sinh viên tình nguyện. Đó là ân tình lớn lắm, không gì đo đếm được, đã nuôi lớn bao thế hệ sinh viên tình nguyện qua mỗi mùa chiến dịch. Mà có biết bao câu chuyện như thế, kể sao dứt trong hành trình 30 năm qua. Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - nhớ rằng anh em đã từng thao thức về việc làm sao phát huy chuyên môn, thế mạnh của sinh viên từng trường để có thể giúp bà con nhiều nhất. Và phương thức đội hình chuyên ra đời đã giải bài toán ấy. Ở đó, sinh viên bách khoa đi làm đường xây cầu, sinh viên sư phạm đi dạy học, sinh viên y dược hỗ trợ bác sĩ khám chữa bệnh cho bà con. “Điều khiến tôi nhớ mãi là trong những lần đi khám bệnh, có người dân nói rằng lâu lắm rồi chưa biết khám bệnh là gì, càng thôi thúc chúng tôi phải đi nhiều hơn, có khi những chuyến đi suốt cả ba tháng hè”, bác sĩ Khanh cho biết.