A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý nghĩa của Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum

Nhà ngục được Pháp xây dựng năm 1930, nằm ở phía bắc sông Đắk Bla, thuộc địa phận tổng Tân Hương, tỉnh Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum). Tại Ngục Kon Tum, tháng 9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. 

Cổng vào khu di tích Ngục Kon Tum.

Tại Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình 12/12/1931 để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường ở Đắk Pok trong điều kiện vô cùng cực khổ. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp làm 8 người chết, 8 người bị thương. Đến 16/12/1931, cuộc biểu tình chuyển sang biểu tình tuyệt thực. 

Để che đậy chính sách vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12/1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa. Ngày 16/11/1988, được công nhận là di tích lịch sử.

Khu di tích Ngục Kon Tum hiện nay.

Lịch sử Kon Tum đã ghi nhận một sự kiện gây chấn động đối với bọn thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Đông Dương, đó là Cuộc đấu tranh đẫm máu giữa những người tù chính trị với bọn thực dân, tay sai diễn ra trong hai ngày (12 và 16/12/1931) tại Nhà ngục Kon Tum, khiến 15 đồng chí hy sinh và 16 đồng chí bị thương.

02 Ngôi mộ tập thể trong khuôn viên khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum.

Sự kiện này xuất phát từ việc "phản đối đi Đăk Pét" của những người tù chính trị. Khi thực dân Pháp ở Kon Tum lần thứ 2 bắt ép những người tù chính trị lên công trường Đăk Pét - nơi mà các đồng chí Ngô Đức Đệ, Lê Văn Hiến đã ví như “Địa ngục của trần gian”. Chỉ trong vòng 6 tháng ngắn ngủi làm đoạn đường 15 km tại Đăk Pao, Đăk Pét, đã có 150 trong số 295 tù chính trị bị chết thảm, số còn lại chỉ còn là da bọc xương. Sự đối xử tàn ác của thực dân Pháp và tay sai đối với tù chính trị trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét là vô cùng tàn ác, vô nhân tính. Việc “phản đối đi Đăk Pét” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Cuộc đấu tranh, song nó không chỉ là cuộc đấu tranh phản đối đơn thuần của gần 200 anh em tù nhân khi phải đứng trước hoàn cảnh bị bắt đi lao động khổ sai.

Bia chứng tích tại khu di tích Ngục Kon Tum.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc đấu tranh chính là sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo của những người tù chính trị, người cộng sản đứng trong hàng ngũ Đảng và đã có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ở các địa phương trước đó. Cuộc đấu tranh có kế hoạch, có mục đích, mục tiêu, phương pháp và phương châm rõ ràng. Nên có thể nói, Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum là cuộc đấu tranh giữa tinh thần yêu nước, mà những người cộng sản làm tiên phong dưới ánh sáng soi đường của Đảng để chống lại kẻ thù xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí. Các tù nhân còn lại vẫn bị chúng đưa lên tiếp tục làm đường Đăk Pao, Đăk Pét. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Cộng sản trước mũi lê, hòn đạn kẻ thù và nó đã mang lại ý nghĩa lịch sử to lớn.
Cuộc đấu tranh là một sự kiện lớn, gây chấn động đối với bọn thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Đông Dương. Lần đầu tiên, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum chứng kiến một cuộc đấu tranh không cân sức giữa những người tù chính trị bị xiềng xích, gông cùm với bọn thực dân, tay sai có trong tay dư thừa súng đạn. Đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên vô cùng khâm phục ý chí kiên cường của những người tù Cộng sản. Càng hiểu rõ hơn về những người Cộng sản, càng hiểu hơn về Đảng. Nhân dân Kon Tum càng tình nguyện theo Đảng để giành độc lập, tự do. Từ sự kiện này, nhiều binh lính trong hàng ngũ địch đã ngã theo về phía cách mạng.

Các hình ảnh, bằng chứng được trưng bày bên trong gian phòng trưng bày.

Đây là Cuộc đấu tranh khiến bọn thực dân Pháp ở Đông Dương phải thay đổi chế độ đối xử với tù chính trị không chỉ ở Kon Tum, mà còn ở các nhà tù khác trên toàn cõi Đông Dương. Địch phải chấp nhận gần như toàn bộ các yêu sách của anh em tù chính trị, nhất là yêu sách đòi bãi bỏ việc đánh đập tù nhân, thừa nhận chế độ tù chính trị.

Giấy chứng nhận ngục tù Kon Tum trở thành Di sản văn hóa.

Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị ở Kon Tum đã có tiếng vang lớn trong dư luận thế giới về tự do công lý và nhân phẩm con người; ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các nhà lao, nhà đày ở trong nước, trước hết là Nhà đày Buôn Ma Thuột. Nước Pháp bị dư luận phản đối, lên án làm cho uy tín bị giảm. Chính phủ Pháp lo sợ, tìm cách đối phó, xoa dịu, nên đã có nhiều sự thay đổi, nhượng bộ như: bãi bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men… Năm 1932, chúng không đưa tù nhân ở đồng bằng lên Nhà đày Kon Tum nữa. Mùa mưa năm 1932, chúng đưa 110 tù nhân từ Đăk Pét trở về thị xã Kon Tum. Đầu năm 1933, chúng tiếp tục đưa tù nhân từ Vinh, Quảng Nam lên Kon Tum, nhưng không đưa đi làm đường 14 như trước. Năm 1934, thực dân Pháp buộc phải bỏ hẳn Nhà đày Kon Tum và dồn tất cả tù chính trị về Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đó chính là minh chứng cho sự thất bại của kẻ thù trước sự đấu tranh anh dũng, bền bỉ của các chiến sĩ  tù Cộng sản và Nhân dân các dân tộc Kon Tum.

Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum còn là sự kiện gây ảnh hưởng rất lớn đến phòng trào cách mạng, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum về sau. Tinh thần, khí phách của những chiến sĩ cộng sản tại Ngục Kon Tum “chết cho sự sống, chết một người để cứu sống muôn người” chính là ngọn lửa thôi thúc trong lòng những người con trên mảnh đất Kon Tum, với các thế hệ quên mình trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh. Những anh hùng, liệt sĩ như Đinh Văn Gió, A Dừa, A Xâu, A Mét, Y Buông… đã nối gót các bậc cha chú như Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Đặng Thái Thuyến… trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm trang sử hào hùng của quê hương, dân tộc.

Tổng hợp, Sưu tầm - Đặng Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: