A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021): Dấu ấn trong đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội

Đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với hoạt động của Quốc hội, đồng chí đã để lại dấu ấn trong đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đặc biệt là sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới.

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921, tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách: Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội- Hà Đông; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam...


Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (27/7/1991)

 

Ngày 17/6/1987, tại Phiên họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội trong thời điểm sau Đại hội VI của Đảng  khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện nhằm ổn định tình hình kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, vững bước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Quốc hội - cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất của Nhà nước phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.

Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đồng chí Lê Quang Đạo trong giai đoạn này là thực hiện sáng tạo đổi mới của Đảng để tổ chức triển khai đổi mới các hoạt động của Nhà nước nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng cũng như sự lãnh đạo của Đảng bằng Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn trước những biến đổi nhanh chóng, bất lợi của tình hình thế giới đối với nước ta vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỉ XX, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992), đồng chí Lê Quang Đạo luôn quan tâm tới việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh. Đồng chí Lê Quang Đạo đã lãnh đạo Quốc hội, từng bước đổi mới trên mọi mặt hoạt động và có đóng góp tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là phát huy tối đa quyền dân chủ của nhân dân.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành hai bộ luật, 25 đạo luật, 40 pháp lệnh, nhiều hơn bảy khóa trước cộng dồn lại. Trong đó có nhiều luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty; Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế, về ngân hàng... đã được ban hành để phục vụ việc thực hiện một cơ cấu kinh tế mới và cơ chế quản lý kinh tế mới, kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần phát huy mọi năng lực sản xuất, huy động mọi tiềm năng của đất nước và đầu tư nước ngoài vào việc phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng tập trung xem xét, thẩm tra và ban hành nhiều luật, pháp lệnh phục vụ cho việc đổi mới trên lĩnh vực chính trị. Việc ban hành Luật Công đoàn, Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân... đã nói lên sự đổi mới về nhận thức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan thường trực của Quốc hội, của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cấp đối với công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với việc ban hành các luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/1989), Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt, Quốc hội đã thực hiện lấy ý kiến nhân dân và thông qua việc sửa đổi Hiến pháp 1980 cho phù hợp với thời kỳ đổi mới thành Hiến pháp 1992.

Kế thừa và phát triển các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện đầy đủ ý chí và nguyện vọng của toàn dân, thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, những nội dung chủ yếu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2000 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khoá VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 1992. Việc ban hành Hiến pháp 1992 có ý nghĩa quan trọng, nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, là cơ sở pháp lý cơ bản nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Đây là bước tiến mới cho nền dân chủ nước ta, đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hiến pháp 1992 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc, Hiến pháp đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới. Đại hội VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là về kinh tế; với chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục những sai lầm trong đường lối, chủ trương, chính sách; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sự sáng tạo của nhân dân lao động; nhận thức đúng hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Về giá trị chính trị - pháp lý: Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện rõ là đạo luật gốc của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp do cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân là Quốc hội thông qua theo một trình tự, thủ tục đặc biệt và do nhân dân trực tiếp thông qua bằng trưng cầu ý dân, quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính sách văn hóa - xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

Kế thừa những giá trị ưu việt của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, Hiến pháp năm 1992 thể hiện được những dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu: Do chủ thể đặc biệt thông qua là nhân dân (trưng cầu ý dân) và cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nội dung thể hiện rõ tính chất khởi thủy (quyền lập quyền) của một bản hiến pháp - văn bản luật pháp duy nhất quy định tổ chức và thực hiện toàn bộ quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp) cho cơ quan nhà nước; Hiến pháp có phạm vi điều chỉnh rộng nhất, mức độ điều chỉnh đang đạt đến tầm khái quát nhất, cô đọng nhất so với các văn bản pháp lý khác; Có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp, không được trái với tinh thần và nội dung của Hiến pháp.

Về giá trị thực tiễn: Hiến pháp năm 1992 chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới toàn diện, sâu sắc về kinh tế, từng bước và vững chắc về chính trị. Điểm nổi bật là chỉ đạo chuyển đổi cơ bản nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung hai thành phần sang kinh tế hàng hóa thị trường nhiều thành phần, xác định sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài. Bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được sửa đổi, bổ sung nhiều hơn. Bổ sung nhiều quyền hạn quyết định xây dựng chương trình luật, pháp lệnh, trưng cầu dân ý của Quốc hội, quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Sửa đổi thiết chế Nhà nước, Quốc hội; chế định Chính phủ theo quan điểm tập quyền “mềm” - quyền lực Nhà nước tập trung thống nhất có sự phân biệt chức năng giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện lập pháp, hành pháp và tư pháp; tăng nhiều quyền hạn và đề cao vai trò của Thủ tướng trong thành lập Chính phủ. Nhấn mạnh tính đại diện của Hội đồng nhân dân; tăng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Thiết lập thêm các tòa án kinh tế, lao động, hành chính. Thực hiện chế độ Thẩm phán bổ nhiệm; kết hợp giữa chế độ cử và chế độ bầu Hội thẩm nhân dân. Thành lập thêm các Ủy ban kiểm sát thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (thành phố thuộc Trung ương)…

Vào thời điểm Hiến pháp năm 1992 ban hành, đất nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhờ có Hiến pháp định hình khuôn khổ hệ thống luật pháp theo tinh thần đổi mới mà chỉ 10 năm sau - năm 2001, Đại hội IX của Đảng đã nhận định: “Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua được cơn chấn động chính trị và sự hẫng hụt về thị trường...; phá được thế bị bao vây cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; không để bị cuốn sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế ở một số nước châu Á...; tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của nước ta đã lớn hơn nhiều”. 20 năm sau - năm 2011, Đại hội XI chỉ rõ: “Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới”...

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII (1992)

 

 

Cùng với việc xây dựng các đạo luật, vấn đề thực hiện tốt quyền làm  chủ của nhân dân thông qua lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội chú trọng hơn tới chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đặc biệt quan tâm. Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đã có nhiều cố gắng, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội, từng bước vươn lên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Đó chính là minh chứng về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đề cao quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển đất nước. Đây là mục tiêu và đích hướng tới trong hoạt động của Quốc hội. 

Phát huy quyền dân chủ đại diện của nhân dân, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng luôn quan tâm tới công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong xem xét thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, về thi hành pháp luật và các vấn đề có liên quan khác.

Những giá trị to lớn đó đã khẳng định được vai trò, sự đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo trong quá trình soạn thảo, ban hành Hiến pháp 1992; cho thấy rõ trên các cương vị công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí là "nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta," "tấm gương người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Nguồn baokontum.com.vn - TH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: