A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội LHTN Việt Nam vẻ vang những chặng đường lịch sử

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã cùng cha ông chiến đấu kiên cường để giải phóng và xây dựng đất nước.

 

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã cùng cha ông chiến đấu kiên cường để giải phóng và xây dựng đất nước.

 Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, đáp ứng nguyện vọng đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp "Kháng chiến kiến quốc", ngày 27/3/1946, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 38 về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể thao. Cũng thời gian đó, Ban Thường vụ T.Ư Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam (gọi tắt là Đoàn thanh niên Việt Nam) ra đời, sau đổi tên thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Đây là tổ chức của thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn, do Đoàn Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.

 

Tháng 2/1950, Đại hội (ĐH) đại biểu Liên đoàn Thanh niên Việt Nam toàn quốc được tổ chức tại căn cứ địa Việt Bắc. ĐH đã vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự. ĐH đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên cứu quốc. Tại ĐH, các đại biểu đã bầu anh Nguyễn Chí Thanh làm Chủ tịch Liên đoàn. ĐH đã phát động phong trào thi đua tòng quân giết giặc lập công và đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, nhất là chống địch bắt thanh niên đi làm bia đỡ đạn cho chúng trong vùng bị tạm chiếm.

Sau quá trình vận động và chuẩn bị, trong các ngày từ 8-15/10/1956, ĐH thành lập Hội LHTN Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Một lần nữa ĐH được vinh dự đón Bác Hồ kính yêu đến dự và phát biểu. ĐH đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Hội gồm 52 anh, chị do bác sĩ - Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếp sau đó, Hội LHTN giải phóng miền Nam được thành lập bao gồm Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng, Hội Học sinh giải phóng và các tổ chức thanh niên yêu nước khác do Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng làm nòng cốt. Anh Trần Bạch Đằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phụ trách tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ được bầu làm Chủ tịch.

ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội LHTN Việt Nam được tổ chức vào tháng 12/1961. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. ĐH đã phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và ra sức ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam. Thực hiện nghị quyết ĐH, 15 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Hơn 5 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong" và gia nhập Quân đội nhân dân chiến đấu vì độc lập tự do cho đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, tại TP Hồ Chí Minh, trong 2 ngày 20-21/9/1976, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức hội nghị thống nhất mặt trận thanh niên trong cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta. Lần đầu tiên, đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam gặp gỡ đoàn đại biểu Hội LHTN Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng nhau thống nhất mặt trận đoàn kết thanh niên lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể thanh niên Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ mới của Hội. Giáo sư Lê Quang Vịnh được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội.

Tháng 9/1988, Hội nghị Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Ủy ban T.Ư Hội. Anh Hà Quang Dự - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn (khóa V) được cử làm Chủ tịch Hội thay cho Giáo sư Lê Quang Vịnh.

ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội LHTN Việt Nam đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 8/12/1994. ĐH đã nhất trí thông qua Điều lệ mới và hiệp thương bầu anh Hồ Đức Việt - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Chủ tịch Hội. ĐH đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm làm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam.

Cuối năm 1997, tại Hội nghị Ủy ban T.Ư Hội, chị Trương Thị Mai - Bí thư T.Ư Đoàn được hiệp thương cử làm Chủ tịch Hội thay anh Hồ Đức Việt nhận nhiệm vụ mới.

ĐH đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-15/1/2000, trong thời điểm lịch sử đặc biệt - năm chuyển giao hai thế kỷ. ĐH đã phát động 5 cuộc vận động lớn trong nhiệm kỳ: Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh; Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Vì chủ quyền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và Xây dựng nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc. Chị Trương Thị Mai tiếp tục được hiệp thương bầu làm Chủ tịch Hội.

Kỳ họp Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam lần thứ V (khóa IV) ngày 15/2/2003 đã hiệp thương kiện toàn Ủy ban Hội, Đoàn Chủ tịch, trong đó hiệp thương bầu anh Hoàng Bình Quân - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Chủ tịch thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đảng, cuối tháng 2/2005, ĐH đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội. ĐH sẽ tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng trong thời gian tới, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, kiện toàn Ủy ban T.Ư Hội nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

 


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: