Bảo vật quốc gia: Sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, nhưng những mất mát, thương đau vẫn mãi hằn sâu trong trái tim mỗi con người; với biết bao ký ức, kỷ niệm, kỷ vật của những người đã nằm xuống và cả những người may mắn sống sót trở về từ chiến trường. Để rồi hôm nay, kỷ vật thiêng liêng ấy ẩn chứa những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, tình đồng đội, là hồn thiêng sông núi…; Trong đó phải kể đến Bảo vật quốc gia: “Cuốn Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh” được trang trọng trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quận 1.
Cuốn sổ có bìa nhựa màu nâu, gồm 63 trang, được các sĩ quan trực ban tác chiến tại Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ghi lại diễn biến chiến dịch từ ngày 25/4/1975 đến ngày 01/5/1975. Đó là những trang nhật ký thật đầy đủ, thật rõ ràng, chi tiết về những ngày tháng thật hào hùng của dân tộc. Cuốn sổ là sự cố gắng của biết bao người ghi lại, cho lịch sử hôm nay biết về những ngày cuối tháng 4 trên chiến trường miền Nam.
Sổ trực ban này được đồng chí Nguyễn Hoàng Vỵ lưu giữ, trân trọng như một báu vật linh thiêng. Mỗi lần đến ngày 30/ 4 đồng chí đều trân trọng đặt cuốn sổ lên bàn thờ thắp nhang mời gọi đồng chí, đồng đội về chung niềm vui chiến thắng với cả dân tộc.
Với mong muốn giới thiệu đến nhân dân và bạn bè quốc tế biết về những ngày tháng Tư hào hùng ấy một cách thật chi tiết, rõ ràng, đồng thời qua đó giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trân trọng những gì mà thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu, hy sinh để giành được nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Ngày 21 tháng 3 năm 2005, đồng chí đã trao cuốn sổ cho Bảo tàng Quân khu 7 trưng bày, lưu giữ.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, để có được viết lại tình hình địch-ta, diễn biến trên chiến trường Miền Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long không phải dễ dàng gì. Đó chẳng phải là máu xương của đồng chí, đồng bào, của hàng triệu người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đọc những dòng ghi “ta thương vong….” thấy bùi ngùi, xót xa, đau thương vô tận. Sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh giờ không đơn thuần chỉ là những trang giấy ghi lại diễn biến của chiến dịch, mà đó là lịch sử, là hồn thiêng sông núi, là bằng chứng hiện hữu, rõ ràng nhất về một giai đoạn hào hùng trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, là máu xương của hàng triệu đồng bào đã ngã xuống để có chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó còn là tài liệu quý giá góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ, biết ơn, cố gắng phấn đấu, sống xứng đáng với công lao của các thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm xây dựng non sông đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, vững bền.
Với những giá trị và ý nghĩa sâu sắc đó, 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận Sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh là Bảo vật quốc gia)