Rác thải từ F0
Theo thống kê, hiện thành phố Kon Tum đang có khoảng 1.751 ca F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà, và con số này ngày càng tăng. Trong khi đó, việc xử lý rác thải y tế cho số F0 này đang có không ít khó khăn, bất cập.
Những điều trông thấy
Xóm tôi đang trải qua những ngày căng thẳng, kể từ khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2.
Sáng thứ 6, một gia đình thông báo ngắn gọn: Con em bị F0. Sáng Chủ nhật, một gia đình khác thông báo tiếp: 2 cháu nhà em cũng dương tính rồi. Cháu lớn nhất mới 5 tuổi, cháu nhỏ nhất hơn 2 tuổi.
Cũng cần nói rõ là, tâm thái đón nhận của người dân xóm tôi đã thay đổi rất rõ, bình tĩnh hơn rất nhiều. Phần vì đã được trang bị khá đầy đủ kiến thức về Covid-19, dày dạn kinh nghiệm hơn trong phòng dịch; phần vì được tiêm vắc xin đủ liều. Ai bị nhiễm thì tự cách ly; các F vẫn làm việc.
Không khí xóm tôi căng thẳng không phải vì có F0, mà xuất phát từ chuyện thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của những gia đình có F0.
Hàng ngày, hai gia đình này vẫn gom rác vào bịch ni lông và đều đặn mỗi buổi chiều đem ra đầu hẻm bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt của những gia đình khác. Sau đó, nhân viên môi trường sẽ thu gom chung đem đi xử lý.
Nghĩa là không có bất cứ thay đổi nào. Và rác thải y tế, chủ yếu kit xét nghiệm nhanh, khẩu trang và giấy lau mũi, các loại ly nhựa đựng đồ uống của F0, được thu gom xử lý như rác thường.
Tất nhiên, nguy cơ phát tán dịch bệnh ra cộng đồng từ những bì rác thải nguy hại này là rất cao. Và rất có thể, cô công nhân trực tiếp thu gom rác sẽ lây nhiễm bất cứ khi nào.
Có người bất bình trước việc làm này nên đề nghị 2 gia đình gọi trạm y tế để hỏi về cách xử lý rác thải đúng quy định. Hoặc ít nhất, cũng mua cồn 70 độ để phun khử khuẩn, sau đó cho rác thải vào túi, buộc thật kín trước khi mang ra điểm tập kết.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các gia đình có F0, khi báo tin với trạm y tế thì cũng chỉ nhận được yêu cầu tự cách ly tại nhà, không được hướng dẫn gì về điều trị, chăm sóc, theo dõi sức khỏe hay thu gom, xử lý rác thải, nên không biết xử lý ra sao, đành “làm như lâu nay vẫn làm”.
Quy định “chặt”, nhưng thực hiện “lỏng”
Tại Công văn số 922/BYT-MT ngày 27/2, Bộ Y tế quy định, chất thải sinh hoạt của F0 điều trị tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm. Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Tại văn bản số 1021/SYT-NVYD ngày 2/3, Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn phân loại, thu gom chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà.
Hướng dẫn là vậy, nhưng thực tế, tại thành phố Kon Tum, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải của F0 được thực hiện khá lơ là, lỏng lẻo.
Tìm hiểu thêm mới biết, hóa ra, không phải chỉ ở xóm tôi mới có chuyện xử lý rác thải sinh hoạt của F0 như rác thường. Nhiều người đã từng và đang là F0 phàn nàn rằng không được hướng dẫn cách thức thu gom, xử lý rác thải y tế khi điều trị tại nhà như quy định.
Anh K (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho hay, khi anh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, vợ anh đã đến trạm y tế phường thông báo và hỏi cách theo dõi sức khỏe và xử lý rác thải. Thế nhưng, nhân viên y tế chỉ cấp cho tờ cam kết tuân thủ các quy định về điều trị Covid-19 tại nhà rồi về tự điền các thông tin, không có xác nhận của trạm y tế, nói gì đến kiểm tra điều kiện để điều trị tại nhà, hay hướng dẫn gì.
Cho đến nay, tôi đã “âm tính” trở lại, cũng không có ai hướng dẫn xử lý rác thải như thế nào. Toàn bộ rác thải y tế (khẩu trang, kit test…), tôi gom lại cùng rác sinh hoạt, tự phun khử khuẩn, cho vào bì nilong buộc kín, đem ra bỏ ở điểm tập kết rác.
Trong khi đó, anh N.V.H (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), có vợ và con trai nhiễm Covid-19, lại “may mắn” hơn khi được nhân viên y tế hướng dẫn ký hợp đồng với một doanh nghiệp tư nhân chuyên thu gom rác thải y tế trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Theo hợp đồng, tôi trả cho bên thu gom, vận chuyển, tiêu hủy rác thải y tế là 198.000đồng/tuần, với định mức 4kg rác/tuần, nếu vượt sẽ bị phạt 26.000đồng/kg. Tôi phải mua thùng rác có nắp đậy và bì nilong để đựng rác thải; phun khử khuẩn mỗi ngày- anh H. cho hay.
Sở Y tế cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với số ca mắc tăng cao hàng ngày, tính đến 7 giờ ngày 7/3, toàn tỉnh ghi nhận 9.149 ca Covid-19.
Trong đó, rất nhiều ca mắc không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được cách ly, theo dõi tại nhà. Bên cạnh những điều lợi, thì điều này cũng đem lại nỗi lo về chuyện xử lý rác thải.
Thực tế cho thấy còn rất nhiều bất cập. Để chặn các “cánh cửa” lây lan của dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, việc xây dựng và triển khai đúng, giám sát chặt chẽ việc triển khai phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế từ F0 điều trị tại nhà của chính quyền và ngành chức năng là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, các gia đình có F0 điều trị tại nhà cũng cần nâng cao nhận thức trong xử lý loại rác nguy hại này. Ít nhất cũng buộc vào các túi nilong riêng; phun khử khuẩn và mang ra điểm tập kết để người thu gom, làm vệ sinh môi trường vận chuyển, bàn giao đến các đơn vị xử lý rác thải có giải pháp xử lý an toàn, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Baokontum.com.vn - ST