A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công điện về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 03/CĐ-CTUBND, ngày 08/8/2022 Về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Theo nội dung Công điện: dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum (Bản tin phát lúc 03h30’ ngày 08 tháng 8 năm 2022), trong 24h qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến đạt từ 35-75mm; nhất là trên địa bàn các huyện Kon Plông, Đăk Hà, Kon Rẫy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã có mưa to, lượng mưa đạt từ 40 - 91mm. Dự báo, trong những ngày tới do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới kết hợp gió Tây Nam có cường độ mạnh dần lên, nên tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo, trong thời gian tới, nguy cơ gây lũ quét ở các suối nhỏ và sạt lở đất ở những nơi đất dốc.

Để chủ động ứng phó mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét và gió giật mạnh... hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

Tập trung chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, giông lốc, sét và gió giật mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó thiên tai.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, lụt, sạt lở đất, tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm, ngầm, cầu tràn; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, không để khi xảy ra thiên tai mới di dời, không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, sớm khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra. không để người và phương tiện di chuyển qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, các tuyến đường bộ dễ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết... khi có mưa lũ.

Khi có thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải thường xuyên ứng trực, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại địa bàn phụ trách; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai. Định kỳ vào lúc 15h00’ hằng ngày tổng hợp, báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải theo dõi áp thấp nhiệt đới, diễn biến mưa lũ, kịp thời triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, khắc phục các sự cố trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ bị sạt lở, tắc đường…. để đảm bảo giao thông.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

4. Sở Công Thương (đối với các hồ chứa thủy điện), Sở Nông nghiệp và PTNT (đối với các hồ chứa thủy lợi) phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi triển khai thực hiện công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.

5. Đài Khí t­ượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cung cấp kịp thời các thông tin áp thấp nhiệt đới, diễn biến của cơn bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét để các đơn vị, địa phương liên quan và Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả; hướng dẫn các kỹ năng ứng phó thiên tai để Nhân dân biết, chủ động ứng phó.

7. Các chủ hồ chứa các công trình thủy điện, thủy lợi theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó, các nguồn lực theo phương “châm 4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai mà phải đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi; tổ chức vận hành các hồ thủy điện, thủy lợi, hồ chứa an toàn tuyệt đối và hiệu quả.

8. Các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có bão, mưa lũ xảy ra; tổng hợp, báo cáo tình hình thiên tai về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

9. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình ở các địa phương, định kỳ vào lúc 16h00’ hàng ngày tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Trần Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: