Những suất cơm 5.000đ nghĩa tình ở Thủ đô
Tính đến thời điểm hiện tại, “Cơm 5.000 Hà Nội” đã thực hiện được 285 số, hơn 65.000 suất cơm nghĩa tình được trao tận tay người lao động nghèo và bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lao phổi Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và cảng Vân Đồn.

Với mong muốn có một quán cơm lưu động giá rẻ phục vụ người lao động, bệnh nhân và sinh viên nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 23-8-2012, dự án mang tên “Cơm 5.000 Hà Nội” được triển khai và chính thức đi vào hoạt động.
Chia sẻ về lý do chọn hình thành dự án “Cơm 5.000 Hà Nội”, anh Bùi Quang Long, Chủ nhiệm CLB cho hay: “Cơm 5.000 Hà Nội là hoạt động xã hội thể hiện trách nhiệm của con người với xã hội (không phải là đi làm từ thiện) và hướng tới xây dựng một môi trường hoạt động lý tưởng nhằm cung cấp các trải nghiệm về xã hội cho các bạn trẻ, qua đó giúp các bạn tự giúp bản thân mình trưởng thành hơn về quan điểm, lối sống, tinh thần tương thân tương ái. Do đó, tôi luôn quan niệm đã không làm thì thôi, làm thì phải tử tế nhất có thể với năng lực của mình”.
Sau gần 2 năm với những hoạt động và đóng góp tích cực, ngày 26/5/2014, sự nỗ lực của “Cơm 5.000 Hà Nội” cùng những thành viên cốt cán đã được ghi nhận, chính thức trở thành hội viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thành phố Hà Nội.
Hoạt động đã 10 năm nên câu lạc bộ đã trở thành đối tác “mua thiếu” thân quen của rất nhiều nhãn hàng thực phẩm. Thiếu lâu và nợ dai nhưng lại được rất nhiều nhãn hàng ưu ái. Trung bình mỗi chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ nấu khoảng 200 suất cơm 5.000 đồng. Kinh phí thực hiện khoảng 5 triệu đồng. Thông thường sẽ thanh toán hàng tháng cho các chủ cửa hàng thực phẩm vào cuối tháng.
Anh Long cho biết, trung bình “Cơm 5.000 Hà Nội” cần 30 triệu đồng mỗi tháng để có thể duy trì hoạt động nấu cơm Chủ nhật hàng tuần, đỡ đầu các em học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số lượng tình nguyện viên nòng cốt là 10 người và 30 tình nguyện viên không thường xuyên. Kinh phí và thành viên được kêu gọi qua trang Fanpage của câu lạc bộ nên không ổn định, phần lớn trong cảnh “chạy ăn từng bữa”. Bởi vậy ngoài tên chính, câu lạc bộ còn có biệt danh do thành viên trong nhóm tự đặt là “dặt dẹo nhưng sống lâu”.
Bên cạnh khó khăn về kinh phí và con người, điều anh Long thấy lớn nhất chính là giúp thay đổi suy nghĩ của các tình nguyện viên. Anh nói: “Các bạn đến tham gia hoạt động thiện nguyện này, không phải để làm từ thiện, mà là để giúp đỡ, sẻ chia, thể hiện trách nhiệm của một người may mắn hơn với cộng đồng. Người nhận được nhiều hơn sau các hoạt động, không phải là những người thụ hưởng mà là chính các bạn. Vì vậy, câu lạc bộ luôn mong được đón nhận nhiều hơn sự tham gia của tình nguyện viên mới, nhất là các bạn trẻ, hãy cùng đến để trải nghiệm và thấy được rằng mình hạnh phúc, may mắn và đang có rất nhiều những cơ hội để thay đổi cuộc đời, để sống tốt đẹp hơn lên qua mỗi ngày”.
Theo: Báo Quân đội Nhân dân - ĐT