A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỗ dựa cho những trái tim non không lành lặn

Nằm nép mình dưới những vòm cây bên Quốc lộ 24 thuộc thôn 10, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy), Trung tâm Trợ giúp xã hội ngoài công lập Vinh Sơn 4 từ lâu đã trở thành mái ấm của hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cha mẹ, khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Mỗi em ở đây, đều mang trong mình những nỗi buồn sâu kín, những nỗi đau thể xác, tâm hồn và những mặc cảm về thân phận kém may mắn.

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Vinh Sơn 4 vào một buổi chiều đầu tháng 6 khi những cơn mưa bắt đầu rả rích. Có đến đây mới thấy được những hoàn cảnh éo le, rất đáng thương với từng số phận của mỗi trẻ thơ đều mang những nỗi bất hạnh riêng.

Tiếp chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội ngoài công lập Vinh Sơn 4 - sơ Y Phép cho biết, hiện nay, Trung tâm đang nuôi 181 cháu và 4 người già neo đơn, trong đó có 2 người già tàn tật và 1 người già khuyết tật. Mỗi người ở đây là một số phận, một hoàn cảnh khác nhau, có cháu mới chào đời đã phải mất cha hoặc mẹ; có cháu có đủ cả cha lẫn mẹ nhưng lại không được thừa nhận; có cháu bị bạo hành gia đình, có cháu hoàn cảnh gia đình đông anh em quá khó khăn…Đa phần các cháu ở đây còn nhỏ đang học bậc Tiểu học và THCS nên việc chăm sóc, lo cho các cháu ăn, học rất vất vả. Bởi vì các cháu còn quá nhỏ nên các “bà mẹ” ở đây đều dành tất cả sự thương yêu và chăm sóc như con ruột của mình, nhằm bù đắp sự thiếu hụt của cháu. Mỗi cháu mỗi số phận, thế nhưng ở ngôi nhà chung này, các cháu đều được sống trong tình thương yêu, lo lắng, đùm bọc như con của mình.

Không chỉ ân cần chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, các sơ ở đây còn tạo mọi điều kiện để giúp các cháu được đến trường. Nhiều cháu khi mới đến đây khóc cả ngày lẫn đêm, nhưng trong một thời gian ngắn bằng sự yêu thương đùm bọc các cháu cũng nhanh chóng quen dần. Chẳng hạn như cháu Y Tặng nhà ở xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông), cha mất, mẹ thì bị thần kinh không được bình thường nên gia đình gửi cháu vào đây khi mới 2 tháng tuổi. Đến nay, cháu mới hơn 1 tuổi nhưng rất ngoan và có thể tự ăn được.

Bữa cơm tối của các cháu tại Trung tâm Trợ giúp xã hội ngoài công lập Vinh Sơn 4.
Ảnh: Đ.V

 

Cháu Y Choa (thôn Kon Trang, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) cũng có hoàn cảnh đáng thương. Cả bố và mẹ qua đời khi cháu còn rất nhỏ, cháu sống với ông bà ngoại, nhưng ông thì bị tàn tật, bà thì già yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên khi cháu lên 4 tuổi, gia đình đã gửi vào Trung tâm nhờ các sơ chăm sóc. Đến nay Y Choa đã được 6 tuổi và đang học lớp 1.

Tại đây, tôi được nghe sơ Y Phép kể câu chuyện rất cảm động của cháu Trần Văn Nam (năm nay 9 tuổi) đang được chăm sóc tại Trung tâm. Nam được một người đàn ông đưa đến đây khi chưa đầy 4 tuổi. Theo lời kể, do vợ bỏ đi, vì quá khó khăn nên người cha bế Nam vào các tỉnh Tây Nguyên để làm thuê tại các lô cao su kiếm sống. Do không có nhà cửa nên người này dựng một chòi nhỏ giữa rừng cao su ở tạm, nửa đêm ông đi cạo mủ cao su thuê kiếm tiền, để Nam ở lại trong chòi một mình giữa rừng. Thấy cuộc sống của hai cha con vất vả và nguy hiểm nên người dân khuyên người cha gửi cháu vào trung tâm để an tâm đi làm.

“Khi được cha gửi vào Trung tâm cháu mới gần 4 tuổi, giờ cháu đã gần 9 tuổi, đang học lớp 3. Từ khi cháu Nam vào đây, năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết Nguyên đán là người cha đi làm cao su thuê ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk về đây đón Tết cùng với con trai và trung tâm” - sơ Y Phép cho biết.

Mặc dù là trung tâm trợ giúp xã hội ngoài công lập còn rất nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, hảo tâm, trung tâm được xây dựng cơ bản khang trang sạch sẽ với hai khu nhà riêng biệt dành cho nam và nữ. Mỗi nhà rộng gần 100m2 để các cháu sinh hoạt, nghỉ ngơi. Ngoài ra còn có một khoảng sân khá rộng là nơi để các em vui chơi, sinh hoạt ngoài giờ học. Hiện nay, Trung tâm có gần 20 cháu đang học bậc Mầm non, gần 60 cháu học Tiểu học, gần 80 cháu học THCS, 17 cháu học THPT ở thành phố Kon Tum và hơn 10 cháu học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề.

Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới của Trung tâm, sơ Y Phép chỉ cười và nói: Sức mình tới đâu thì mình làm tới đó, mục tiêu của Trung tâm là giúp các cháu có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập cộng đồng, vươn lên cuộc sống sau này nên Trung tâm giúp các cháu hết mình trong khả năng có thể.

Theo sơ Y Phép, nhiều cháu dù đã ra đời lập nghiệp, lập gia đình nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm Trung tâm và bày tỏ lòng biết ơn.

Thật khó có thể tả hết nỗi vất vả, gian truân và những hi sinh thầm lặng của những người chăm lo cho những đứa trẻ bất hạnh nơi đây. Một người mẹ chăm sóc một, hai đứa con đã khó huống chi ở đây phải lo đến gần 200 con người, không nói cũng biết việc lo toan cái ăn, cái mặc cho các cháu nơi đây vất vả đến nhường nào. Dù khó khăn, vất vả nhưng với tấm lòng bao dung, bằng tình thương yêu, những “người mẹ” ở Trung tâm vẫn đang âm thầm, ngày đêm chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ cho những đứa trẻ mô côi. Nơi đây thực sự là chỗ dựa ấm cúng cho những đứa trẻ bất hạnh, thiệt thòi…

Nguồn Báo Kon Tum - TH

 


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: