A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng “cửu vạn” sách

Chàng “cửu vạn” sách - một biệt danh dung dị, gần gũi mà nhiều em nhỏ, thầy cô giáo tại không ít trường phổ thông hay công nhân ở khu công nghiệp, phạm nhân trong trại cải tạo… thường hay nhắc về anh Đỗ Tiến Thành (kỹ sư xây dựng làm việc tại Hà Nội) trong suốt 10 năm qua.

Tìm thấy năng lượng tích cực

Trước khi chia sẻ về hành trình của mình, anh Đỗ Tiến Thành lấy từ túi sách, tặng tôi cuốn: “Chia sẻ từ trái tim”. Đó chính là cái “cớ” để anh bắt đầu nói về bản thân trong trách nhiệm với cộng đồng. Trước đây, anh Thành làm kỹ sư xây dựng. Nhịp sống của anh bị “bao vây” bởi hàng chục cuộc gọi với khách hàng mỗi ngày. “Thời điểm ấy, tôi như bị tắc nghẽn dòng chảy năng lượng trong mình với những áp lực trong công việc, rồi nỗi lo ổn định cuộc sống ở thành phố", anh Thành nhớ lại.

Trên chiếc xe ô tô cùng những cuốn sách quý giá, anh Thành đã có 10 năm rong ruổi khắp các tỉnh miền Bắc. Anh đã tiết kiệm một phần tiền lương hàng tháng để mua sách, rồi đi tặng trẻ em vùng vông thôn. Sau đó, anh vận động bạn bè cùng tham gia hoặc quyên góp sách để xây dựng tủ sách và đi “đọc sách dạo” để khuyến đọc tại các trường học.

Có thể là hình ảnh về 4 người và văn bản

“Tôi đi cửu vạn sách nhưng cũng để thay đổi bản thân mình cho tốt lên, đồng thời là hình mẫu cho các con học tập. Qua mỗi năm, số lượng sách tôi đã đọc tăng dần, trung bình 12 cuốn sách dày và hàng chục cuốn sách về cuộc sống, nuôi dạy con mỗi năm”, chàng kỹ sư nói.

“Gieo” hy vọng

Anh Thành nhận thấy, đọc sách có lẽ là một hình thức giải trí duy nhất của các phạm nhân sau thời gian lao động mỗi ngày. Trên tay cầm cuốn sách “Những bước chân hy vọng” của tác giả Nguyễn Quang Thạch, anh Thành đã được nhiều phạm nhân nữ chú ý. Khi anh đưa cuốn sách cho một phạm nhân chịu án tù chung thân ở Trại giam Vĩnh Quang, cô ấy vừa khóc, vừa nói: “Em ở trong này bao lâu rồi cũng không nhớ nữa… Từ bé đến giờ, em chưa được ai tặng quà nhân dịp 20/10. Hôm nay, anh phải tặng em cuốn sách này nhé”.

Lắng nghe những mẩu chuyện đời của các phạm nhân, anh Thành như được kích hoạt thêm tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng. “Tôi tin rằng, khi xây dựng tủ sách và khuyến đọc cho các phạm nhân, họ sẽ dần tìm được khoảng lắng trong tâm hồn, tìm lại những giá trị trong cuộc sống để có thêm hy vọng và để sống khác”, anh Thành chia sẻ.

Với quan niệm tặng gì cho đáng, anh Thành cũng dành nhiều thời gian để chọn lọc sách bằng cách vừa đọc, vừa nhờ các chuyên gia trong các lĩnh vực đánh giá. Sau đó, tuỳ với mỗi lứa tuổi, đối tượng khác nhau, anh sẽ phân thành các loại sách phù hợp. Hiện tại, dù đã lên làm chức vụ quản lý, nhưng anh Thành tâm huyết dành thời gian làm công việc “cửu vạn sách”. Anh coi đó là một hành trình “tu tập” để giúp bản thân hướng đến những điều tốt đẹp.

“Trước đây, tôi tự ti về tri thức, kiến thức của mình trong giới văn chương, chữ nghĩa. Những lần đi tặng sách đầu tiên cho sinh viên, tôi tự thấy xấu hổ, ngượng ngùng vì nền đọc của mình còn hạn chế. Khi được tiếp xúc và đọc sách nhiều hơn, tôi tìm thấy những người bạn trong sách, được đắm chìm trong những câu chuyện, không gian sống khác nhau. Những giá trị ấy đã giúp tôi kết nối với nhiều người tốt hơn ngoài đời thực, suy ngẫm sâu hơn thay vì chạy theo tiêu dùng thông tin trên thiết bị điện tử”, anh Thành chia sẻ.

Với anh Thành, quan trọng hơn cả khi làm cửu vạn sách, anh có cơ hội chia sẻ từ trái tim và hướng ra ngoài nhiều hơn, gieo thêm mầm hy vọng cho những trẻ em vùng khó.

Nguồn: Việc tử tế

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: