A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cậu bé vươn lên từ bóng tối

Người ta thường nói rằng “cuộc sống luôn công bằng, không cho không ai điều gì và cũng không vô tình lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp” và điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Nghị. Dù mất đi ánh sáng từ đôi mắt, tuy nhiên em lại có một năng khiếu cảm nhận âm nhạc tốt hơn so với người bình thường. Hiện tại, chỉ mới 9 tuổi, nhưng Nghị đã có thể chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau như organ, piano, tiêu.

 “Hiện tại con đang cố gắng học tập thật tốt để có thể thực hiện ước mơ của mình, trở thành một nghệ sĩ được đứng biểu diễn trên sân khấu. Con muốn đỡ đần phụ giúp cho gia đình bớt khó khăn, bởi con biết bố mẹ đã cố gắng vì con rất nhiều”. Từng câu em Phan Khương Nghị (9 tuổi) khuyết tật mắt bẩm sinh thổ lộ, khiến cả căn phòng lặng sâu trong sự bùi ngùi, xúc động.

Chị Vũ Thị Tố Lan - mẹ của em Phan Khương Nghị (số nhà 185 đường Bắc Kạn, TP. Kon Tum) tâm sự: Nghị được sinh non, sức khỏe rất yếu. Vì vậy, khi ở bệnh viện, các y, bác sĩ đều tưởng Nghị không thể sống nổi. Như có phép mầu, em vượt qua hiểm nghèo trong niềm hy vọng, mong ngóng của cả gia đình.

Phan Khương Nghị có một nghị lực phi thường. Chưa từng một lần nhìn thấy ánh sáng kể từ khi chào đời, Nghị cảm nhận những sắc màu của cuộc sống thông qua đôi bàn tay và những câu chuyện xung quanh mình. Thế nhưng không hề đầu hàng trước số phận, Nghị vẫn vui tươi, hòa đồng, đi học và giao tiếp như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác. Em vẫn giữ được cho mình nụ cười trên môi, dù cho những lúc tối tăm, buồn bã nhất.

Nhà cách trường tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh hơn 5km, nhưng bất kể nắng mưa, sự bận rộn với công việc, hàng ngày chị Lan vẫn kiên trì đưa Nghị đến trường học tập. Có lẽ hiểu được những khó khăn, vất vả của mẹ nên Nghị rất chăm chỉ, luôn nhận được lời khen ngợi của thầy, cô giáo. Hiện tại, em nắm vững được bảng chữ cái Braille (hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị) và ghi chép, làm toán giống như những học sinh bình thường.

Phan Khương Nghị với niềm đam mê âm nhạc của mình. Ảnh: TT

 

Người ta thường nói rằng “cuộc sống luôn công bằng, không cho không ai điều gì và cũng không vô tình lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp” và điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Nghị. Dù mất đi ánh sáng từ đôi mắt, tuy nhiên em lại có một năng khiếu cảm nhận âm nhạc tốt hơn so với người bình thường. Hiện tại, chỉ mới 9 tuổi, nhưng Nghị đã có thể chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau như organ, piano, tiêu.

Thể hiện một đoạn nhạc của bài “Lòng mẹ” bằng đàn organ, Nghị như hòa vào từng âm thanh trầm bổng của tiếng đàn. Từng giai điệu luyến láy, ngân vang trong ca khúc theo tiếng nhạc đầy cuốn hút, lôi cuốn lòng người. Căn phòng nhỏ dành để tiếp khách của gia đình em từ chỗ rộn rã tiếng nói, cười, bỗng nhiên im ắng, nhường chỗ cho những giai điệu nhạc do em thể hiện.

Nghe tiếng đàn, mọi người đều khâm phục ở em một ý chí lớn, một sự đam mê âm nhạc đến tột cùng. Để thể hiện được những bản nhạc bằng đàn organ như thế, có lẽ đã có không ít mồ hôi, nước mắt của em rơi xuống.

Chị Vũ Thị Tố Lan nhớ lại: “Ngày còn bé, Nghị rất thích cây đàn đồ chơi mà vợ chồng tôi mua để làm quà tặng sinh nhật. Và trên chính những phím đàn đồ chơi ấy, từng ngón tay của Nghị đã chập chững tạo nên những giai điệu đầu tiên. Vợ chồng tôi đều cảm thấy cách thẩm âm của bé rất tốt, chính vì vậy mà chúng tôi đã dẫn dắt bé đến với âm nhạc”.

Tuy nhiên dù đã dẫn Nghị đi nhiều nơi, nhưng vẫn không có một cơ sở nào nhận em vào học, bởi đa phần các cơ sở này đều không có phương pháp dạy âm nhạc cho trẻ em bị khiếm thị. Vậy nên Nghị đành phải ngậm ngùi tự mày mò, học hỏi thông qua các clip trên mạng, với sự trợ giúp đắc lực của mẹ.

Theo lời chị Lan chia sẻ, dù bản thân chị cũng đã lớn tuổi, nhưng nhiều lúc chị vẫn lên mạng mày mò, học chơi các nhạc cụ để giúp đỡ cho Nghị được thỏa mãn với niềm đam mê. Nhưng bản thân chị cũng biết, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu Nghị thực sự đi theo con đường âm nhạc, thì nhất thiết phải tìm được một cơ sở dạy nhạc để giúp Nghị phát triển, giúp Nghị theo đuổi đam mê của mình.

Nghị nhỏ nhẹ bày tỏ: “Để trở thành một nghệ sĩ con hiểu rằng cần phải nỗ lực rất nhiều. Dù không thể nhìn thấy được thế giới xung quanh, nhưng con vẫn có thể suy nghĩ, cảm nhận được nhiều điều khác. Con sẽ dành thật nhiều thời gian để tập luyện, để có thể thể hiện được nhiều bài hát hơn. Ở trường, con cũng sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và thầy cô đã dành cho con”.

Nhìn Nghị hồn nhiên, tươi cười mày mò trên tay cây đàn organ của mình, chúng tôi đều cảm thấy yêu quý và khâm phục sự nỗ lực của em. Hi vọng rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể tận mắt được chứng kiến em đứng trên sân khấu, chơi những điệu nhạc, những ca khúc phục vụ đông đảo mọi người.

Gặp Nghị, bất chợt tôi nhớ đến một câu nói đã từng được nghe: “Chính vì bạn cần sức mạnh, nghị lực nên cuộc sống đã đặt ra những khó khăn, nghịch cảnh để bạn vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn”.

Thành Trịnh - TH


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: