Đảng ta là đảng cầm quyền, thực hiện quyền lãnh đạo toàn xã hội thông qua Nhà nước và hệ thống pháp luật XHCN Việt Nam. Trong hoạt động lãnh đạo, Đảng phải bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt và thống nhất để mọi hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhà nước diễn ra ổn định, thể hiện chính xác về tư tưởng và đường lối của Đảng. Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội bằng cách đề ra những đường lối, chủ trương lớn; lãnh đạo thông qua công tác cán bộ; lãnh đạo thông qua kiểm tra đảng, lấy phương pháp chính để lãnh đạo là giáo dục, thuyết phục. Đối với việc lãnh đạo thông qua công tác cán bộ, Đảng lập các tổ chức đảng hoạt động trong các cơ quan nhà nước và giới thiệu những đảng viên ưu tú vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước để lãnh đạo thể chế hóa và tổ chức thực hiện đúng đắn cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Bên cạnh nhiệm vụ Đảng lãnh đạo mọi hoạt động của nhà nước và xã hội, thì Đảng phải tôn trọng và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật như mọi tổ chức trong hệ thống chính trị và trong xã hội, nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng phải tuân theo quy luật hình thành, phát triển và hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 2013: quy định các tổ chức của Đảng và trách nhiệm của đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tiễn, vấn đề lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý của Nhà nước vẫn chưa được phân định một cách rõ ràng. Đây là hai mặt của một vấn đề cần làm rõ để cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Đảng trong quản lý nhà nước và xã hội.
1. Thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đưa đường lối, chủ trương vào cuộc sống, mà hiệu quả nhất là thông qua luật pháp. Tuy nhiên, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trên thực tế còn gặp phải tình trạng lúng túng, vì chưa có sự phân định rõ ràng và cụ thể về chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước. Ở khía cạnh khác, Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, song Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật mà Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định (tức là chịu sự ràng buộc của pháp luật Việt Nam), chứ không phải là tổ chức đứng trên nhà nước và đứng ngoài pháp luật. Hơn nữa, mục tiêu của Đảng là xây dựng nhà nước ta trở thành một nhà nước thực sự dân chủ, mà “mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”, chứ không thuộc về bất kỳ chủ thể nào khác. Bên cạnh đó, các đảng viên lại là những công dân sống trong một nhà nước, vì vậy việc quy định mọi tổ chức của Đảng và các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là tất yếu và cần thiết để phù hợp với quan điểm xây dựng nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để giải quyết căn bản những tồn tại còn vướng mắc, yêu cầu đặt ra là: Cần phải nhận thức đúng đắn về vai trò đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý nhà nước và xã hội làm cơ sở và linh hồn cho pháp luật, chứ không thể đồng nhất hoặc đánh đồng giữa đường lối, chủ trương của đảng với pháp luật. Đây là tư tưởng chỉ đạo trong lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước về quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Theo đó, vấn đề mấu chốt để thực hiện: cần cụ thể hóa các quy định của pháp luật về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội trong một văn bản pháp lý cụ thể để làm sáng tỏ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, do vậy cần xây dựng cơ chế cụ thể và ban hành Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Điều này vừa phù hợp với tính tất yếu của quy luật khách quan trong xây dựng nhà nước pháp quyền, vừa là yếu tố mở đường thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhà nước pháp quyền. Trong đó, phải xác định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước để đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Cấp ủy đảng ở các cấp phải thể hiện đúng vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, tập trung trí tuệ và năng lực lãnh đạo vào các định hướng phát triển tổng thể và huyết mạch, giáo dục cán bộ, đảng viên, không can thiệp vào công việc của chính quyền, tập trung vào hoạt động kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố, phát huy được tính chủ động sáng tạo của chính quyền, của các đoàn thể. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, liêm chính, phải phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư.
2. Về trách nhiệm của Đảng trong quản lý nhà nước và xã hội, phải thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Đảng và nhân dân, hoạt động của Đảng là vì lợi ích nhân dân và đất nước chứ không phải vì lợi ích của một cá nhân, nhóm xã hội nào. Tuy nhiên trong thực tiễn, Đảng vẫn đang còn bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới so với yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Do vậy, cần phải quán triệt về mặt nhận thức để đổi mới tư duy lãnh đạo: Ở điều kiện Đảng cầm quyền, quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước đều do nhân dân giao phó. Và nhân dân chỉ giao cho Đảng quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Đảng nhận sự ủy thác từ nhân dân); còn quyền sở hữu quyền lực thì vẫn phải thuộc về nhân dân và nhân dân cần phải có thực quyền. Đây là yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân phải dựa vào nguyên tắc cơ bản này, ở đó lấy Hiến pháp đặt lên hàng đầu nguyên tắc tất cả mọi quyền bính thuộc về nhân dân, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định. Nguyên tắc này phải được nhận thức và thể hiện trong từng chính sách và hoạt động của Nhà nước, có như vậy Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, tất cả các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Do đó, phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng gắn với việc thực hiện dân chủ và Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong quá trình hoàn thiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một cách cụ thể để dân được biết, dân được bàn, được quyết định trực tiếp hoặc tham gia góp ý kiến, thảo luận dân chủ về những việc có liên quan đến lợi ích thiết thân của họ và của cộng đồng. Phải xây dựng và hoàn thiện từng bước chế độ dân chủ trực tiếp và hướng mạnh về cơ sở. Các văn bản pháp luật cần phải được xây dựng chặt chẽ để giảm thiểu sơ hở/lách luật nhằm hạn chế đến mức tối đa vấn đề bức xúc về tình trạng tham nhũng, biển thủ ngân sách Nhà nước, làm giàu bất chính ở nước ta.
Tóm lại, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
CTV Nguyễn Thị Dung - ST