A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng sáo Bác Hồ

Nghệ sĩ Đinh Thìn, diễn viên độc tấu sáo của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam là người từng nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ông kể trong niềm bồi hồi xúc động : “Tôi không bao giờ quên buổi đầu tiên được Bác tiếp. Hôm đó, Bác chỉ muốn gặp bốn người , ở bốn đoàn: một hát, một múa, một xiếc và một sáo. Tôi đã thấy Bác nhiều lần nhưng chỉ thấy từ xa, hôm ấy bên Bác tôi không sao kìm nén được xúc động. Ôi, Bác giản dị quá! Râu tóc Bác bạc phơ, da dẻ hồng hào trong bộ quần áo lụa Hà Đông đẹp như ông Bụt trong cổ tích. Thấy chúng tôi lúng túng vì xúc động, Bác liền kéo cả nhóm ngồi xuống quanh Bác. Bác hỏi chuyện từng người rồi bảo tôi có mang sáo thì thổi cho Bác nghe. Bác ngồi dựa hẳn vào thành ghế, chăm chú nghe tôi thổi sáo. Hôm đó, tôi thổi một làn điệu đuổi trong chèo. Nghe xong, Bác gật gù rồi hỏi:
- Cháu học ai ?
- Dạ thưa Bác, cháu học ông cụ trong đoàn ạ. Cụ là một nghệ nhân, đã từng đi biểu diễn khắp nơi trong nước. Cụ là người thổi sáo hay nhất hiện nay ạ.
Bác cười rồi bảo :
- Thế thì tốt, cháu đã gặp thầy rồi đó. Âm nhạc dân tộc của ta rất hay. Thanh niên phải là người thừa kế vốn cổ, học tập các bác nghệ nhân già và phát huy nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt, tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc.

Hôm khác nữa, tôi có may mắn được tới chỗ Bác. Bác đang tiếp khách riêng, trong phòng người nghe không đông lắm. Tôi thổi bài “Nhớ về Nam”, Bác nghe rất chăm chú, thổi xong tôi cúi đầu chào định quay về chỗ ngồi thì Bác đứng dậy. Cầm chiếc sáo của tôi, Bác hỏi :
- Chiếc sáo này cháu tự làm hay mua ?
- Thưa Bác, cháu tự làm đấy ạ.
- Tự lực cánh sinh như thế là giỏi. Làm sáo cũng không khó lắm phải không cháu ? Trong kháng chiến chống Pháp, Bác thấy bộ đội làm sáo nhanh lắm, đi hành quân hay đi tập đều mang theo, thổi rất vui.
Nói rồi Bác cầm ống sáo để đưa lên miệng thổi. Thấy Bác cầm chưa đúng tư thế, tôi thưa với Bác :
- Bác để môi vào sát miệng lỗ sáo ạ.
Bác để môi lại và nhẹ nhàng thổi, lòng ống sáo có gió liền phát ra thành tiếng.
Bác hỏi :
- Ngón tay để thế này đúng chưa ?
Tay tôi run hẳn lên. Tôi khẽ cầm vào tay Bác sửa từng ngón bịt vào từng miệng lỗ sáo. Bác để sáo lên miệng thổi, tư thế thoải mái hẳn. Không khí trong phòng bấy giờ như ngưng đọng, mọi người nín thở chờ đợi tiếng sáo của Bác. Bác lấy hơi thổi nhẹ, hơi chạy vào trong ống sáo, thoát ra các ngón tay của Bác thành một làn điệu dân ca đồng quê uyển chuyển điệu cò lả. Bác thổi vừa dứt, tiếng vỗ tay trong phòng rộn lên, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Bác bỏ ống sáo xuống, lấy dáng điệu cúi chào như một diễn viên thực thụ, tiếng vỗ tay, tiếng cười vui vẻ lại vang lên.
Bác nói to :
- Thật là không thầy đố mày làm nên!
Lần gặp Bác đó đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể phai mờ. Bác đi tìm con đường cứu dân cứu nước từ lúc còn trẻ. Bước chân của Người đã trải khắp năm châu bốn biển nhưng câu hát đồng quê vẫn lắng đọng trong lòng.
Sau những lần được gặp Bác, thổi sáo cho Bác nghe, tôi lại lao vào học tập, khổ luyện, biểu diễn phục vụ đồng bào. Tôi thấy mình cố gắng làm việc bao nhiêu cũng không xứng đáng với công ơn của Bác. Tôi càng yêu chiếc sáo - chiếc sáo may mắn đã được Bác thổi, tôi càng say mê âm nhạc. Điệu cò lả Bác thổi cứ vang vọng, quấn quýt bên tôi, nâng dắt cổ vũ tôi trên bước đường nghệ thuật.

Nguồn: http://www.thptchonthanh.com.vn/BacHo/chuyen68.htm


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: