A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức ngày Bác về

Kỹ sư Vũ Đình Bông – một trí thức yêu nước từ Pháp trở về nước tham gia kháng chiến và tiếp quản Nhà máy Điện Hà Nội năm 1954 – là một trong những người vinh dự được đón tiếp Bác Hồ trong ngày Bác về thăm Nhà máy Điện Yên Phụ. Mặc dù ông không còn nữa, song những ký ức cảm động về Bác mà ông lưu giữ và mang theo suốt cuộc đời đã được nhà văn Nguyễn Khắc Phục trân trọng ghi lại trong những trang sử ký của Ngành Điện.

 

Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô sau ngày về Hà Nội 

Tháng 10 năm 1954, tôi được phân công nhập vào đoàn của đồng chí Hồ Quý Diện tiến vào Hà Nội, đi tiền tiêu để nắm tình hình hệ thống điện. Tiếp đó, tôi được bố trí vào Ban Tiếp quản Nhà máy Điện Yên Phụ dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Vũ Hạnh.

Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) được khởi công xây dựng từ năm 1925 và đến cuối năm 1932 thì khánh thành. Hằng năm, Nhà máy được bổ sung thêm trang thiết bị, đến năm 1949 có tổng công suất 4 máy là 22.500 kW. Được phân nhiệm vụ phù hợp với nghề đã học và đã có thực hành nên công việc nắm bắt kỹ thuật ở Nhà máy Điện này đối với tôi không có gì xa lạ. Cấp trên giao thời gian 3 tuần phải tự điều khiển vận hành được toàn bộ thiết bị trong Nhà máy. Nhờ có trình độ thông thạo về cơ điện và với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của tuổi trẻ, chỉ sau 10 ngày tôi đã tự đảm nhận được các khâu kỹ thuật thao tác lò máy, sớm tách 3 chuyên viên người Pháp ra khỏi phần chỉ huy vận hành.

Đến tháng 12 năm 1954, Nhà máy Điện Yên Phụ có 3 tổ máy còn chạy được và 1 tổ máy đang hỏng phần tua-bin. Tôi đang chuẩn bị kế hoạch tu sửa thì được tin Bác Hồ đến thăm Nhà máy. Quá đột ngột, tôi vội vàng chạy ra mong kịp đón Bác từ cửa chính vào Nhà máy, nhưng Bác đã thoăn thoắt tự lên cầu thang đến thẳng gian tua-bin. Cùng đi với Bác có đồng chí Trần Danh Tuyên – Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Thật hồi hộp, cảm động và bất ngờ vì không chuẩn bị được gì cho việc đón tiếp Bác. Đọc được tình cảm thể hiện trên nét mặt và cử chỉ vụng về, lúng túng của tôi, Bác ôn tồn hỏi:

– Chú làm ở Nhà máy này lâu chưa?

– Thưa Bác, cháu học ở Pháp, mới về nước đầu năm nay và hiện ở trong Ban tiếp quản Nhà máy.

– Máy điện còn dùng tốt không?

– Thưa Bác, lò máy đã rão, cũ nhưng vẫn còn chạy tương đối tốt nhưng cũng cần tu bổ thêm.

Tại gian tua-bin, máy chạy rào rào, tôi mời Bác lên bảng điện để đỡ ồn và Bác dễ thấy toàn bộ gian máy. Khi đi ngang tổ máy hỏng, tôi báo cáo với Bác là Nhà máy đang chuẩn bị tu sửa. Bác hỏi:

– Có đủ phương tiện sửa chữa không?

– Thưa Bác, chúng cháu đang chuẩn bị và cũng khắc phục được.

Lên đến bảng điện trung tâm là chỗ có thể nhìn bao quát được toàn bộ hệ thống 4 máy tua-bin và máy phát điện thì tôi được ống kính của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã ghi lại hình ảnh của tôi bên cạnh Bác. Đây là một kỷ niệm vô giá. Bức ảnh là báu vật tôi mang theo suốt cuộc đời hoạt động kỹ thuật điện của mình.

Bác lại hỏi:

– Hiện nay còn người Pháp làm việc ở Nhà máy không?

– Thưa Bác, còn 3 Trưởng ca đang ở lại làm thủ tục chuyển giao.

Bác nói:

– Vậy là rất thuận lợi vì chú biết tiếng họ. Làm việc với họ phải cảnh giác, nhưng cần tranh thủ kỹ thuật của người Pháp và chú ý đối đãi lịch thiệp với họ.

Tiếp đó, tôi định đưa Bác sang thăm lò hơi nhưng đồng chí Vũ Hạnh trong Ban Lãnh đạo Ban tiếp quản đã đến đón Bác đi thăm các phân xưởng khác và nhắc tôi phải giữ vị trí trực, đảm bảo an toàn phát điện trong lúc này.

Nhớ lại hồi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã ân cần chỉ bảo: Thủ đô là của cả nước, phải tạo điều kiện cho sản xuất phát triển; đời sống văn hoá, xã hội phải được nâng cao; con em chúng ta phải được học hành và mọi người phải có việc làm. Cần gây thành phong trào quần chúng giữ gìn vệ sinh, giữ gìn trật tự an ninh chu đáo. ở những nơi đông dân cư, nơi nhân dân lao động ở, nơi có nhiều nhà ổ chuột càng phải giữ gìn vệ sinh mới văn minh hạnh phúc. Cần phải có ánh sáng, hạn chế nạn trộm cắp, phải đề phòng ruồi muỗi… Những lời Bác Hồ chỉ bảo đã mấy chục năm vậy mà vẫn còn nóng hổi tính thời sự và thể hiện đúng quan điểm của Đảng ta hiện nay, luôn luôn không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân lao động!

(Tư liệu: Bút ký “Những bước đi toả sáng” Nhà văn Nguyễn Khắc Phục)

Nguồn: https://tennguoidepnhat.net/2014/10/10/ky-uc-ngay-bac-ve/


Nguồn: www.tuoitrekontum.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: