Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng cho khoảng 100 triệu dân và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Ðể thực hiện được điều này, cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó quan trọng là đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 300/QÐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của sản xuất nông nghiệp với các nhiệm vụ như: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc đối với lương thực thực phẩm; gắn sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp trong liên kết chuỗi giá trị; nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất, doanh nghiệp…
Chuyển đổi số là lực đẩy quan trọng
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho rằng: Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp các sản phẩm nông, lâm, thủy sản truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Với tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao như hiện nay sẽ là một thuận lợi cho quá trình ứng dụng số hóa vào sản xuất.
Mô hình chuyển đổi số trong quản lý và truy xuất dấu chân carbon sản xuất thanh long phát thải thấp, thân thiện môi trường tại Bình Thuận do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện là một thí dụ điển hình. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, mô hình theo dõi phát thải carbon trong sản xuất, chế biến của bốn hợp tác xã/doanh nghiệp; thực hiện minh bạch trong sản xuất xanh qua nhật ký sản xuất; truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem, nhãn…
Từ đó, theo dõi được xuất xứ và “dấu chân carbon” của mỗi trái thanh long. Với hệ thống phần mềm trên máy tính (https://thanhlongxanhbinhthuan.vn), người dùng có thể tra cứu được sản lượng theo thời gian và lượng phát thải carbon; Trung tâm khuyến nông tỉnh quản lý được toàn bộ nhật ký sản xuất của tất cả các tài khoản tham gia; Giám đốc hợp tác xã có thể theo dõi, quản lý, phê duyệt hoặc can thiệp các thông tin của thành viên hợp tác xã mình. Hiện số lượng thành viên được cấp tài khoản là 93. Riêng phần mềm (app) trên thiết bị di động “chuỗi thanh long xanh” còn được bổ sung nâng cấp một số chức năng tiện ích như tạo lô nhằm cập nhật liên tục diện tích sản xuất lúc chưa khai thác.